Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng: Khảo sát sự quan tâm, cơ hội cho nhiều nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT đang được UBND tỉnh Lạng Sơn công bố khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư theo quy trình của Luật PPP. Đây là dự án lớn, được tỉnh Lạng Sơn quyết tâm triển khai để tạo bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả vùng, với sự tham gia vốn của Nhà nước hơn 47%.
Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 10.620 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Việt Minh
Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 10.620 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Việt Minh

Theo thông báo khảo sát, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43 km, đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5 m. Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thiện quy mô mặt cắt ngang tuyến 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25 m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam: hoàn thiện với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22 m.

Giai đoạn phân kỳ thời gian thực hiện 3 năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026. Sơ bộ tổng mức đầu tư 10.620 tỷ đồng. Trong đó vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư), bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.124 tỷ đồng; vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác của nhà đầu tư khoảng 4.496 tỷ đồng. Vốn nhà nước trong Dự án khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư). Phần vốn nhà nước bố trí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 1.502 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng công trình tạm và xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng khoảng 3.498 tỷ đồng.

Dự án áp dụng hợp đồng BOT, áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 82 của Luật PPP, nhưng không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính. Nhà đầu tư đề xuất Dự án là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả.

Thời gian khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đến 17 giờ ngày 2/6/2023. Nhà đầu tư, bên cho vay quan tâm có thể tham gia đóng góp vào nhiều nội dung, như khả năng triển khai dự án tương tự (về lĩnh vực, quy mô…) của khu vực tư nhân; một số yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật thực hiện dự án; tính hấp dẫn, khả thi của dự án; mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư.

Một chuyên gia về PPP cho biết, bước khảo sát nhằm tham vấn ý kiến các bên để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Đặc biệt, các bên cho vay có thể tham gia sớm nhất vào quá trình lập dự án để bảo đảm phương án tài chính khả thi, hấp dẫn nhất. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Khi có ít nhất 1 nhà đầu tư được thành lập theo pháp nhân nước ngoài đăng ký quan tâm thì sẽ đấu thầu rộng rãi quốc tế; nếu có từ 6 nhà đầu tư trở lên quan tâm sẽ đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển, đấu thầu rộng rãi quốc tế nếu có dưới 6 nhà đầu tư quan tâm. Nếu tất cả nhà đầu tư quan tâm đều được thành lập theo pháp luật Việt Nam, sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước có sơ tuyển khi có trên 6 nhà đầu tư, đấu thầu rộng rãi trong nước khi có dưới 6 nhà đầu tư quan tâm. Như vậy, dù kết quả khảo sát như thế nào, theo quy định, dự án này sẽ được đưa ra đấu thầu rộng rãi. Đây sẽ là cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tham gia vào Dự án. Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án được chấp thuận sẽ được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải cho tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng Đông Bắc và cả nước nói chung. Tuyến hoàn thành sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á; góp phần liên kết, phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ…

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo phương thức PPP cũng được công bố khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư từ ngày 13/3/2023 đến 12/4/2023. Tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định, thông báo tới UBND tỉnh Cao Bằng, trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cao Bằng nhanh chóng cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt Dự án. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ sớm được đưa ra đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục