Hai cao tốc trục ngang miền Tây có kịp cán đích giải ngân?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các địa phương đóng vai trò cơ quan chủ quản thực hiện 2 dự án cao tốc trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu đang rất sốt ruột bởi nguồn vốn kế hoạch năm 2024 chưa giải ngân còn nhiều, trong khi quỹ thời gian dần cạn.
Nhà thầu thi công dầm cầu số 1, Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Như Nguyệt
Nhà thầu thi công dầm cầu số 1, Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Như Nguyệt

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thiếu cát

Trong 4 dự án thành phần (DATP) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, DATP 1 đoạn qua tỉnh An Giang hiện có tiến độ xây dựng, giải ngân tốt nhất.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) cho biết: DATP 1 có tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách năm 2024 bố trí cho Dự án là 3.750,195 tỷ đồng, hiện giải ngân đạt 96% và dự kiến đến ngày 31/12/2024 sẽ giải ngân 100%. Chủ đầu tư cho biết, tổng khối lượng hoàn thành của 4 gói thầu xây lắp đạt 39,18%, vượt 0,38% so với tiến độ được duyệt. Trong đó, Gói thầu xây lắp số 44 có khối lượng hoàn thành cao nhất, đạt 52,92%, vượt 0,58% so với kế hoạch. Với 3 gói thầu xây lắp còn lại, Gói thầu số 42 đạt khối lượng 31,37%; Gói thầu số 43 đạt khối lượng 39,26% (vượt 0,17%); Gói thầu số 45 đạt khối lượng 34,66% (vượt 0,88%) so với kế hoạch. Dù gặp vướng mắc về nguồn cát san lấp, đá, Chủ đầu tư và các nhà thầu phấn đấu đến ngày 31/12/2024, DATP 1 đạt trên 45% khối lượng so với kế hoạch.

Tại DATP 4, ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng (chủ đầu tư) cho biết, công tác thi công xây dựng DATP 4 vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó nổi lên 2 vấn đề khó là nguồn vật liệu và xử lý nền đất yếu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các gói thầu. “DATP 4 triển khai tại khu vực có nền đất yếu. Nền đường phải sử dụng khối lượng vật liệu cát để đắp nền nhưng địa phương không có mỏ đá, đất sét, phải sử dụng các vật liệu ngoài Tỉnh nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí xây dựng công trình. Cái khó hơn là Sóc Trăng nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên chất lượng các mỏ cát sông chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, việc sử dụng cát nhiễm mặn để đắp cho DATP 4 là giải pháp mới phải nghiên cứu, khảo sát kỹ trước khi áp dụng, đặc biệt là các yếu tố về kỹ thuật và môi trường”, ông Thái nói.

Báo cáo mới nhất của Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng cho thấy, DATP 4 có tổng mức đầu tư 11.961 tỷ đồng, năm 2024 được bố trí 2.322 tỷ đồng, hiện giải ngân được 1.368 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch. DATP 4 có 4 gói thầu xây lắp với tổng giá trị 8.054,45 tỷ đồng. Đến nay, giá trị thực hiện là 1.223,2 tỷ đồng, đạt 15,2% giá trị hợp đồng, chậm 9,1% so với kế hoạch. Cụ thể, giá trị thực hiện Gói thầu số 9 khoảng 226 tỷ đồng, đạt 13,6% giá trị hợp đồng, chậm 9,2% so với kế hoạch. Giá trị thực hiện Gói thầu số 10 khoảng 266,7 tỷ đồng, đạt 12,3% giá trị hợp đồng, chậm 10% so với kế hoạch. Giá trị thực hiện Gói thầu số 11 là 410,5 tỷ đồng, đạt 20,7% giá trị hợp đồng, chậm 7,4% so với kế hoạch. Giá trị thực hiện Gói thầu số 12 là 280 tỷ đồng, đạt 14,9% giá trị hợp đồng, chậm 9,9% so với kế hoạch. Tính chung, giá trị xây lắp toàn DATP 4 đạt 17,2% kế hoạch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, dù rất khó khăn nhưng DATP 4 vẫn bảo đảm các mốc thời gian theo yêu cầu, tuy nhiên, tiến độ thi công chưa đạt kỳ vọng. Tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn cát để đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, cấp phép 2 mỏ cát sông thương mại; 3 mỏ cát sông và 2 mỏ cát biển khác cũng được giao trực tiếp cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đến nay, mới có 4 mỏ cung cấp cát cho DATP 4 với khối lượng tối đa đến tháng 6/2025 là 1,7 triệu m3, so với tổng nhu cầu là 6,5 triệu m3 thì còn thiếu 4,9 triệu m3 cát đắp nền. Sóc Trăng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sử dụng rộng rãi cát biển đối với các đoạn DATP 4 nhiễm mặn không phải thí điểm mở rộng và sử dụng cát biển qua rửa mặn đối với các vùng khác để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu. Tỉnh cũng đề nghị xem xét cho phép điều chuyển khối lượng cát biển từ mỏ B1.2 và B1.3 cung cấp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sang cung cấp cho DATP 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2024, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho 4 DATP thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 10.805,2 tỷ đồng. Tính tới hết ngày 30/11/2024, các địa phương đã giải ngân được 8.256,6 tỷ đồng, đạt 76,4% kế hoạch. Ngoài DATP 1, DATP 4 kể trên, DATP 2 (TP. Cần Thơ) có vốn kế hoạch là 2.000 tỷ đồng, giải ngân được 1.668,5 tỷ đồng, đạt 83,4% kế hoạch. DATP 3 (tỉnh Hậu Giang) có vốn kế hoạch 1.725 tỷ đồng, giải ngân được 1.710,8 tỷ đồng, đạt 62,6% kế hoạch.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vướng xử lý địa chất tại Đồng Tháp

Tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đang chạy đua để hoàn thành giải ngân vốn kế hoạch năm 2024. Được biết, Dự án có 2 DATP, trong đó, DATP 1 (tỉnh Đồng Tháp là cơ quan chủ quản) có chiều dài tuyến 16 km, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng; DATP 2 (do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản) dài 11,5 km, tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng.

Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư DATP 1) cho biết, DATP 1 có 1 gói thầu xây lắp giá trị 2.805 tỷ đồng. Hiện Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO đang tập trung hoàn thành công tác gia tải toàn bộ phân đoạn đường đảm nhiệm thi công, tăng tốc xây dựng phần đường để bù tiến độ. Các cầu cũng được đồng loạt lắp dầm, hoàn thiện mặt cầu. “DATP 1 cơ bản đáp ứng kế hoạch. Dự kiến, phần cầu và dầm sàn liên tục sẽ hoàn thành trong năm 2024. Phần đường chậm so với kế hoạch nên Chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực thi công đẩy nhanh tiến độ”, ông Trường nói.

Theo lãnh đạo Ban, tính tới tháng giữa tháng 12/2024, lũy kế sản lượng thi công DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đạt 49% giá trị hợp đồng. Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản thông tuyến, hoàn thành DATP 1 trong năm 2026, bảo đảm đồng bộ với DATP 2 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) và tiến độ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc vẫn còn. Đơn cử, DATP 1 đi qua vùng địa chất yếu, dày từ 20 - 32m, có nơi lên đến 42m nên việc xử lý mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Theo Bộ Tài chính, năm 2024, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được ngân sách bố trí 3.154 tỷ đồng, tính tới 30/11 đã giải ngân được 2.422,6 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch. Cụ thể, DATP 1 (tỉnh Đồng Tháp) được bố trí 1.582 tỷ đồng, giải ngân được 1.013,6 tỷ đồng, đạt 64,1% kế hoạch; DATP 2 (tỉnh Tiền Giang) được bố trí 1.572 tỷ đồng, giải ngân được 1.409 tỷ đồng, đạt 89,6% kế hoạch.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo các ban QLDA đóng vai trò chủ đầu tư 6 DATP thuộc 2 dự án cao tốc trục ngang tại ĐBSCL đều khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công trong quỹ thời gian còn lại cho mục tiêu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2024.

Tin cùng chuyên mục