![]() |
Đến hết tháng 2/2025, các dự án cao tốc Bắc - Nam giải ngân 1.755 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên |
Những dự án giao thông giải ngân thấp
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 2 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2025, Bộ Xây dựng, cho biết, đến hết tháng 2/2025 đã giải ngân khoảng 3.188 tỷ đồng (đạt khoảng 4% kế hoạch năm). Công tác giải ngân 2 tháng đầu năm chậm, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (trung bình cả nước giải ngân 7,6%) và thấp hơn cùng kỳ năm 2024 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối (cùng kỳ năm 2024, giải ngân khoảng 6.500 tỷ đồng, đạt 9%).
Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giải ngân 1.755 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch năm. Đây là nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân tốt nhất Bộ, nhưng tiến độ chậm so với cùng kỳ năm 2024 (giải ngân 4.300 tỷ đồng, đạt 10%). Nhiều dự án được giao kế hoạch vốn rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh (Ban Quản lý dự án 85) đạt 2%; dự án Vân Phong - Nha Trang (Ban Quản lý dự án 7) đạt 2,8%; dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Ban Quản lý dự án 85) đạt 3%...
Các dự án cao tốc khác giải ngân được 413 tỷ đồng, mới đạt 2,4% kế hoạch. Có 6/12 dự án được giao kế hoạch vốn lớn chưa thi công gồm: Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, Dầu Giây - Tân Phú, mở rộng cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Hòa Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng phân tích, nguyên nhân chậm giải ngân là do một số tỉnh gặp vướng mắc về nguồn vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đơn cử, các dự án giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn cát bởi tỉnh Tiền Giang chưa xong thủ tục cấp phép khai thác mỏ; An Giang chưa chấp thuận cho khai thác trở lại 3 mỏ cát và 1 mỏ đá... Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm tiến độ do thiếu mặt bằng sạch để thi công.
![]() |
Ngay trong quý I/2025 sẽ điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định. Ảnh: Tiên Giang |
Sau 31/3/2025 sẽ điều chuyển vốn sang các dự án quan trọng, khả thi
Trong bức tranh chung về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính mới đây cho biết, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải. Tổng số vốn kế hoạch vốn bố trí năm 2025 cho 9 dự án khoảng 87.401 tỷ đồng. Trong đó, các dự án được bố trí lượng vốn lớn lần lượt là: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Vành đai 3 - TP. HCM, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021, trụ sở cơ quan Hải quan Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tính đến hết ngày 31/1/2025, tổng số vốn đã giải ngân của 9 dự án nêu trên là 2.024,1 tỷ đồng, đạt 2,3% kế hoạch vốn năm 2025 được giao. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.710,1 tỷ đồng, đạt 2,3%; vốn ngân sách địa phương là 314,1 tỷ đồng, đạt 2,4%. Kết quả này thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân tháng 1 của cả nước (3,86%).
Để công tác giải ngân vốn đầu tư công nói chung, giải ngân tại các dự án giao thông trọng điểm nói riêng đạt mục tiêu trên 95% năm 2025, Bộ Tài chính thúc đẩy các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Sau ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cắt giảm, điều chuyển vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số vốn ngân sách trung ương Bộ Giao thông vận tải (cũ) đã bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển là 48.809 tỷ đồng, đạt 101,14% (số vốn tối thiểu phải bố trí là 48.260 tỷ đồng). Tuy nhiên, tổng số vốn ngân sách nhà nước trung ương các địa phương đã bố trí cho nhóm dự án này là 68.156,06 tỷ đồng, chưa đạt số vốn tối thiểu phải bố trí là 84.063,3 tỷ đồng. Do vậy, Bộ đề nghị các địa phương rà soát, bảo đảm phân bổ đủ số vốn tối thiểu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển.
Về phía Bộ Xây dựng, giải pháp được một số đơn vị đề xuất là thành lập các tổ công tác của Bộ để kiểm tra để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cầu Đại Ngãi, đường Hồ Chí Minh... để gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg nêu rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án liên vùng, có tác động lan tỏa... Trong quá trình này, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.