Hòa Bình lên phương án mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Hòa Bình đã có những báo cáo bước đầu về phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc 2 làn xe Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình lên 6 làn xe, để đáp ứng nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng việc triển khai Dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT có nhiều lợi thế so với các hình thức đầu tư khác.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được đầu tư mở rộng thành đường cao tốc 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được đầu tư mở rộng thành đường cao tốc 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT được khai thác từ năm 2019 với quy mô 2 làn xe, rộng 12m. Liên danh Công ty CP Đầu tư Infinity Group - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội (do Infinity Group đại diện), nhà đầu tư đang được quyền khai thác, cũng là nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh Dự án.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, Nhà đầu tư đã thực hiện công tác thực hiện khảo sát, dự báo nhu cầu vận tải của Dự án. Kết quả cho thấy, tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đến năm 2027 với lưu lượng là 15.464 PCU/ngày đêm đã sang mức độ phục vụ loại E và cần thiết mở rộng. Như vậy, thời điểm năm 2027, dự án điều chỉnh sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác, phù hợp với nhu cầu vận tải và quy hoạch liên quan. Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải và quy hoạch liên quan, việc đầu tư với quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe là cần thiết để bảo đảm hiệu quả dự án, tiết kiệm kinh phí đầu tư tổng thể. Bên cạnh đó, hiện tại, tuyến Quốc lộ 6 nằm trong hợp phần đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT. Việc đầu tư hạng mục cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn đi qua thị trấn Lương Sơn) là rất cấp thiết để phù hợp với Quy hoạch khu đô thị Lương Sơn, đồng thời phục vụ điều kiện nâng thị trấn Lương Sơn thành thị xã Lương Sơn trong năm 2025…

Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, Dự án Mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có tính chất đặc thù, do tuyến đường hiện đang được nhà đầu tư vận hành khai thác, theo yêu cầu vận tải lưu lượng ngày một tăng cao, mặt khác đoạn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình là một trong những đoạn kết nối Hòa Bình - Hà Nội, Hòa Bình - Mộc Châu có ý nghĩa hết sức quan trọng để sớm hoàn thiện tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình và Mộc Châu - Sơn La. Từ các quy định của pháp luật và nhu cầu giao thông, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình là rất cần thiết.

Theo phương án được UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đầu tư mở rộng thành đường cao tốc 6 làn xe chạy với chiều rộng 33 - 33,5 m, tốc độ thiết kế 100 km/h, tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại, kết hợp xây dựng các đoạn đường gom cần thiết để kết nối dân sinh hai bên tuyến. Tuyến Quốc lộ 6 sẽ sửa chữa mặt đường bê tông nhựa từ mép mặt đường Quốc lộ 6 hiện trạng đến vỉa hè (đã được đầu tư), chiều rộng mỗi bên khoảng 6 - 8m. Dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2028.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 10.637 tỷ đồng, trong đó chi phí đã thực hiện đầu tư là 2.476 tỷ đồng; chi phí điều chỉnh quy mô là 8.161 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn là 33 năm tính từ năm 2019. Trong đó, thời điểm hoàn vốn cho phần chi phí đã đầu tư (đang khai thác) là tháng 3/2046; thời gian hoàn vốn phần mở rộng quy mô là 24 năm tính từ năm 2028 - thời điểm dự kiến tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được đưa vào khai thác thương mại.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP có nhiều lợi thế. Dự án đang triển khai theo phương thức PPP và tổ chức thu phí hoàn vốn nên việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hợp đồng dự án mới sẽ bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn nhà nước.

Tại phiên họp của Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành lưu ý thêm một số nội dung. Trong đó, chú ý làm rõ trình tự, thủ tục điều chỉnh đầu tư; sự phù hợp của nội dung điều chỉnh với quy định tại Luật PPP; hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư; sự phù hợp khi áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thời gian thực hiện dự án…

Tin cùng chuyên mục