Vốn FDI tiếp tục tìm đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh toàn cầu nhiều biến động nhưng 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 20 năm trở lại đây và được dự báo tăng trưởng cả năm thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, khu vực. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 21,52 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tuấn Anh
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 21,52 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tuấn Anh

Giữ vững vị thế điểm đến hấp dẫn đầu tư

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sức hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Con số này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy sự đa dạng trong các hình thức đầu tư và niềm tin ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Cụ thể, có 1.988 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký mới đạt 9,29 tỷ USD. Mặc dù số lượng dự án tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại giảm 9,6%, cho thấy xu hướng đầu tư với quy mô nhỏ hơn nhưng phân tán rộng rãi hơn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất với 5,06 tỷ USD, tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản với 2,25 tỷ USD.

Vốn đăng ký điều chỉnh ghi nhận mức tăng trưởng cao với 826 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư trong việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Khi tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,57 tỷ USD, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,84 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến ngày 30/6/2025, có 1.708 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 3,28 tỷ USD, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy vốn ngoại gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Trong cơ cấu này, vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,41 tỷ USD, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 763,2 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua. Theo Bộ Tài chính, con số này phản ánh khả năng thực thi và triển khai dự án hiệu quả của Việt Nam.

Tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư lớn đang thể hiện sự quan tâm, có kế hoạch mở rộng đầu tư.

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng sáng 4/7/2025, ông Eugene Willemsen, Tổng giám đốc điều hành Khối đồ uống quốc tế và Phó Chủ tịch điều hành PepsiCo toàn cầu cho biết, Tập đoàn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Ngày 2/7/2025, Lãnh đạo Tập đoàn Makara Capital - tập đoàn lớn của Singapore về quản lý quỹ, tài sản, đầu tư, tư vấn dịch vụ và cung cấp giải pháp cấu trúc tài chính, cũng thông tin, Makara Capital đang xúc tiến đầu tư cho Dự án Khu công nghiệp dược - sinh học với quy mô gần 300 ha. Đồng thời, Tập đoàn đang làm việc tích cực với các cơ quan và địa phương liên quan phía Việt Nam để hợp tác đầu tư, cung cấp vốn cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng; mong muốn tham gia tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt tham gia xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam… với khả năng kêu gọi, huy động khoảng từ 5 - 7 tỷ USD.

Theo Báo cáo chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, BCI giảm nhẹ xuống 61,1 điểm, nhưng thông điệp tổng thể vẫn là các doanh nghiệp châu Âu giữ lòng tin vào triển vọng dài hạn của Việt Nam. “Khoảng 72% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư - con số này đã được duy trì qua các báo cáo BCI gần đây. Sự nhất quán đó nói lên rất nhiều điều”, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho biết. BCI ổn định bất chấp thị trường toàn cầu leo thang căng thẳng, đặc biệt trong chuỗi cung ứng, hiệu ứng từ các đợt áp thuế Mỹ - Việt chưa rõ, bởi các cuộc đàm phán qua ba vòng trong tháng 6 chưa kết thúc.

Fitch và Moody's cũng công bố tiếp tục giữ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, theo đó xếp hạng do Fitch đánh giá ở mức BB+, Moody's ở mức Ba2, triển vọng Ổn định. Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực bị hạ triển vọng xuống "Tiêu cực" do ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ, việc Moody's và Fitch khẳng định xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã phản ánh những điểm mạnh của Việt Nam như triển vọng tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ, thương mại năng động, điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn, vị thế tài khóa vững chắc với mức nợ Chính phủ tương đối thấp và ổn định.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 826 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhã Chi

Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 826 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư

tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhã Chi

Tiếp tục tăng sức hút dòng vốn chất lượng cao

Theo EuroCham, BCI quý II/2025 tiếp tục khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, để duy trì vị thế này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục, minh bạch pháp lý, cải thiện cấp phép lao động, hoàn thuế, hải quan và số hóa quy trình, thủ tục. Ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh, đây không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp châu Âu mà còn là tiền đề để Việt Nam thu hút FDI chất lượng cao.

Phó Chủ tịch điều hành PepsiCo toàn cầu bày tỏ sự ủng hộ với những cải cách về thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ cấu lại bộ máy chính quyền, sáp nhập tỉnh và mục tiêu dài hạn của Chính phủ, đồng thời mong muốn chính sách đưa ra có tính ổn định và dự báo cao để việc thực thi đạt hiệu quả bền vững.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra ngày 3/7/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, dòng vốn FDI rất tích cực, nhưng chậm thu hút những nhà đầu tư chiến lược với dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, tạo dựng hệ sinh thái.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng “Cổng một cửa đầu tư quốc gia”, “Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh”; kịp thời tham mưu xử lý, tháo gỡ ngay những vướng mắc, kiến nghị cho các dự án FDI lớn, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam… Cùng với đó, nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục