Phân cấp cho địa phương nhưng phải bảo đảm tính liên tục trong đầu tư, bảo trì đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng)

Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã phân cấp cho các địa phương quản lý hơn 72% tổng chiều dài trên 25.000 km quốc lộ, các tài sản đường bộ đã được điều chuyển về các địa phương quản lý. Từ ngày 1/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các tuyến đường liên xã, liên huyện (trước đây do cấp huyện quản lý và thực hiện đầu tư, sửa chữa).

Hệ thống đường bộ có vai trò huyết mạch, mang ý nghĩa đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, chiếm thị phần rất lớn trong vận tải hành khách, hàng hóa và đi lại của người dân. Theo khảo sát, vận tải đường bộ đang chiếm hơn 90% khối lượng vận tải hành khách và 75% vận tải hàng hóa trong cơ cấu vận tải cả nước. Do vậy, mặc dù đã phân cấp cho địa phương (cấp xã) quản lý hệ thống các tuyến đường bộ nhưng việc quản lý, điều hành vẫn phải có vai trò dẫn dắt của Trung ương. Cục sẽ tham mưu để Bộ Xây dựng chỉ đạo địa phương (Sở Xây dựng, UBND cấp tỉnh) quan tâm đầu tư, ưu tiên các nguồn lực để sửa chữa, bảo trì hệ thống các tuyến đường liên xã, đảm bảo sự êm thuận của hệ thống đường bộ, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

Việc hoạt động và vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp ban đầu chắc chắn sẽ phát sinh những khó khăn nhất định đối với việc duy tu, bảo dưỡng liên tục các tuyến đường liên tỉnh, liên xã, nhưng với tinh thần khó đến đâu, tháo gỡ đến đó, nhất trí và đồng lòng, ưu tiên nguồn vốn dành cho công tác bảo trì, bố trí kịp thời để sửa chữa các hư hỏng nhẹ, chúng ta sẽ giảm thiểu được nguồn lực lớn để sửa chữa về sau, tránh được những hệ lụy không mong muốn xảy ra trong mùa mưa bão đang đến gần, góp phần bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của người dân khi lưu thông bằng đường bộ.

Tin cùng chuyên mục