Về công tác bồi thường, GPMB, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đến nay, toàn Dự án đã bàn giao mặt bằng được 2,84 km, đạt 34,5%. Trong đó, TP.HCM bàn giao 1,74 km, đạt 91% và tỉnh Đồng Nai bàn giao 1,1 km, đạt 17,5%. “Áp lực GPMB tại dự án này là rất lớn, khối lượng công việc khổng lồ với nhiều vướng mắc từ vốn đến hồ sơ pháp lý”, đại diện Chủ đầu tư lo lắng.
Từ phía tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, Dự án đi qua địa bàn với tổng chiều dài 6,3 km, diện tích 49,35 ha, 468 hộ dân, dự kiến 250 suất tái định cư. Trong số này, có 3,44 ha đất công, 2,41 ha đất ở và 43,5 ha đất nông nghiệp (trồng cây và thủy sản). Về công tác bàn giao mặt bằng, Tỉnh đã thực hiện được 640m/5.000m (Gói thầu CW2) và phần thuộc sông Đồng Nai 460m/1.300m (Gói thầu CW3). Về nguồn vốn, Tỉnh cân đối cho Dự án 184,6 tỷ đồng, đã bố trí được 88,2 tỷ đồng, chi trả đợt 1 được 22,9 tỷ đồng (49 hộ, với diện tích 7,5 ha).
“Đối với nguồn vốn đã được bố trí, UBND Tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn để huyện Nhơn Trạch thực hiện và chi trả tiếp cho khoảng 840m (với 86 hộ dân, diện tích 10,25 ha) đoạn tiếp giáp bờ sông để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công cầu Nhơn Trạch (Gói thầu CW1). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn để tiến hành chi trả”, ông Đức cho biết.
Dự án thành phần 1A được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư Dự án là 6.955,65 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 3.348,32 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án, VAT và phí dịch vụ là 643,54 tỷ đồng; dự phòng phí 713,06 tỷ đồng; chi phí GPMB là 2.250,73 tỷ đồng.
Đối với phần vốn chưa được bố trí, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với các đơn vị được giao đất để có phương án tạm ứng kinh phí cho công tác bồi thường, GPMB.
Trong khi đó, phía TP.HCM, dù diện tích chưa GPMB, bàn giao cho Chủ đầu tư không quá nhiều, nhưng dự kiến quý I/2023 mới hoàn thành nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Cụ thể, tổng chiều dài thuộc địa phận TP.HCM là 1,92 km, diện tích 35,71 ha, với 95 hộ dân, 1 tổ chức. Trong đó, đất nông nghiệp là 21,06 ha, đất công là 13,15 ha, đất biền, rạch là 1,5 ha.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin, Thành phố đã bàn giao hơn 91% mặt bằng tuyến chính. Trong đó, Gói thầu CW1 đã bàn giao 100%; Gói thầu CW2 đạt 71%. Phần còn lại chưa có mặt bằng gồm 180 m tuyến chính và 790 m nút giao kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo báo cáo của Chủ đầu tư, TP.HCM còn 9% chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng tuy không lớn, nhưng mức độ lại nghiêm trọng, mất nhiều thời gian. “Đến nay, vướng mắc lớn nhất trên địa bàn thuộc khu vực TP. Thủ Đức. Để gỡ vướng, TP. Thủ Đức đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án như: trình duyệt Dự án GPMB, thu thập thông tin, pháp lý được 70/96 hồ sơ pháp lý thu hồi đất và tống đạt thông báo đạt 58/96 hồ sơ. Dự kiến, nhanh nhất cuối quý I/2023 mới tiến hành chi trả xong và bàn giao mặt bằng”, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, những khó khăn trong công tác GPMB của tỉnh Đồng Nai và TP.HCM cần được khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Dự án thành phần 1A có vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực, giảm thế kẹt trong lưu thông giữa Đồng Nai và TP.HCM (hiện phải qua phà). Đồng thời, Dự án có thời điểm hoàn thành cùng với Cảng hàng không Long Thành (năm 2025). Do đó, Chủ đầu tư và 2 địa phương không thể chậm trễ trong việc GPMB. Nếu khó khăn vượt quá thẩm quyền, cần sớm có báo cáo để cơ quan chức năng có hướng xử lý kịp thời.