Ảnh minh họa: Internet |
TTCP cho biết, ngày 16/5/2017, UBND xã Di Trạch trình UBND huyện Hoài Đức chấp thuận phương án đầu tư Khu trang trại giáo dục nông nghiệp Happy Farm. UBND huyện Hoài Đức có Báo cáo số 340/BC-UBND ngày 11/8/2017 đề nghị UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chấp thuận một số hạng mục dựng tạm bằng các loại vật liệu nhẹ, lắp ghép như sắt, tôn, gỗ, tre... Sau đó, UBND huyện Hoài Đức ban hành quyết định phê duyệt phương án đầu tư Khu trang trại Happy Farm, giao Trung tâm Quản lý quỹ đất lựa chọn đơn vị xã hội hóa thực hiện Dự án, tiếp nhận hồ sơ, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư...
Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi trình UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan chức năng về chủ trương và được chấp thuận về phương án đầu tư Dự án, Chủ tịch UBND xã Di Trạch đã tự ý tổ chức triển khai Dự án tại khu đất chồng lấn quy hoạch thuộc xã Di Trạch, tạo điều kiện cho bà Nguyễn Thị Hòa Hợp được sử dụng đất công để làm trang trại mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không có hồ sơ pháp lý về dự án, không có hồ sơ lựa chọn chủ đầu tư, không đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
TTCP kết luận, đây là việc làm vượt quá quyền hạn, trái công vụ, thiếu minh bạch và có biểu hiện động cơ cá nhân của Chủ tịch UBND xã Di Trạch. Và các thủ tục trình chủ trương và chấp thuận về phương án đầu tư của các cơ quan liên quan huyện Hoài Đức thực chất là thủ tục để hợp thức hóa cho việc bà Nguyễn Thị Hòa Hợp đầu tư khu trang trại, xây dựng công trình trên đất đã được thực hiện từ trước đó.
Theo kết luận của TTCP, UBND huyện Hoài Đức phê duyệt phương án cho thuê 3,57 ha đất để đầu tư khu trang trại giáo dục nông nghiệp và chỉ đạo Trung tâm Quản lý quỹ đất ký hợp đồng cho bà Nguyễn Thị Hòa Hợp thuê 3,57 ha đất khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố về việc cho thuê đất là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, trong phương án cho thuê 3,57 ha đất để đầu tư khu trạng trại giáo dục nông nghiệp có diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ là đã làm trái với chỉ đạo của Hà Nội tại văn bản ngày 18/7/2016 của Văn phòng UBND Thành phố về thủ tục, thẩm quyền và nội dung vì UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và đơn vị liên quan rà soát, tham mưu (ưu tiên phục vụ mục đích trồng trọt) báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
TTCP chỉ ra, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức ký Hợp đồng cho thuê 3,57 ha đất khi chưa xác định được giá cho thuê đất. Trung tâm này ký hợp đồng cho thuê đất không có giá cho thuê, bàn giao đất trên thực địa từ tháng 11/2017 nhưng đến ngày 2/4/2019 mới tạm thu 150 triệu đồng tiền thuê đất, dẫn đến việc bà Nguyễn Thị Hòa Hợp trên thực tế đã được thuê, sử dụng diện tích 3,57 ha đất để kinh doanh từ tháng 11/2017 mà không nộp tiền thuê đất, không đáp ứng được yêu cầu của Thành ủy, UBND Thành phố về việc tạo nguồn thu nộp ngân sách khi sử dụng đất, dẫn đến thắc mắc, nghi ngờ, tố cáo của công dân…
Từ kết quả kiểm tra, TTCP đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc UBND huyện Hoài Đức ban hành Quyết định số 9535/QD-UBND ngày 31/10/2017 phê duyệt phương án quản lý, khai thác tạm khu đất đã được giải phóng mặt bằng chồng lấn quy hoạch trên địa bàn huyện Hoài Đức làm khu vui chơi, giáo dục nông nghiệp phục vụ trẻ em trái với chỉ đạo của UBND Thành phố và vi phạm quy định của Luật đất đai.
TTCP yêu cầu, UBND huyện Hoài Đức kiểm điểm các đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình đã để xảy ra sai phạm trong việc quản lý đất đai, xây dựng tại khu đất 3,57ha nêu trên; kiểm điểm, xử lý nghiêm về hành chính đối với Chủ tịch UBND xã Di Trạch thời kỳ này theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Huyện ủy để xem xét, có hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Di Trạch do đã lạm quyền, để hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa Hợp khai thác, sử dụng diện tích lớn đất công lập trang trại không đúng quy định.