Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch: Tháo gỡ bất cập, tạo động lực mới cho phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính, nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch có nhiều điểm sửa đổi theo hướng đơn giản hóa nội dung quy hoạch, hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quy hoạch.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính thời gian tới sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
Việc sắp xếp đơn vị hành chính thời gian tới sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sớm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong thực tiễn công tác quy hoạch sẽ khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển.

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, việc sắp xếp đơn vị hành chính thời gian tới sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia. Do vậy, cần rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện và điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan để đề xuất chính sách, giải pháp khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển là một trong những mục tiêu hướng tới của Dự án Luật.

Chia sẻ quan điểm liên quan giữa việc sắp xếp đơn vị hành chính và công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ) cho biết, trung tâm hành chính của một số tỉnh, thành phố theo kế hoạch dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính tới đây sẽ có sự thay đổi; việc chấm dứt hoạt động của cấp huyện cũng làm thay đổi các quy hoạch cấp tỉnh, kể cả đô thị và nông thôn. Từ thực tiễn này, yêu cầu phát triển của các địa phương đòi hỏi cần phải điều chỉnh công tác lập quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Do đó, trong công tác tổ chức thực hiện, đại biểu này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật cần nghiên cứu và đưa ra nguyên tắc để không có khoảng trống pháp lý khi thực hiện chủ trương quan trọng của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho biết, thời gian tới sẽ thành lập các chính quyền địa phương 2 cấp. Thực tiễn này đặt ra vấn đề phải giải quyết tất cả các quy hoạch cũ khi thực hiện sáp nhập tỉnh. Đại biểu cho rằng, tất cả các quy hoạch này vẫn có giá trị, không phải làm lại và cần điều chỉnh cục bộ khi phát sinh vấn đề. Việc điều chỉnh cục bộ này nên thực hiện theo quy trình rút gọn, không cần thiết phải kéo dài, làm thủ tục đầy đủ sẽ mất thời gian.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn đại biểu Quốc hội Lai Châu) quan tâm tới việc Dự thảo Luật có điều chỉnh về thẩm quyền phê duyệt đối với phần liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Trước đây, nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng chuyển thẩm quyền này về cho Chính phủ. Theo đại biểu Toàn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho từng tỉnh, thành phố được dự thảo theo hướng phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ để sát hơn với thực tiễn điều hành là cần thiết; tuy nhiên, cần đảm bảo nguyên tắc những gì liên quan đến chiến lược quan trọng của quốc gia phải để Quốc hội quyết định. Do đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung rõ nội hàm liên quan đến sử dụng đất đai, quy hoạch không gian biển theo hướng Quốc hội vẫn quyết định tổng thể, trên cơ sở đó Chính phủ điều hành.

Ngoài ra, liên quan tới sự thống nhất giữa các loại quy hoạch, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu thực trạng và đặt vấn đề, một trong những nội dung vướng nhất hiện nay là tất cả các dự án đầu tư, kể cả đầu tư công, tư đều có nội dung “phải phù hợp với quy hoạch”. Vậy đánh giá như thế nào là “phù hợp với quy hoạch”? Đại biểu này cho rằng, ngoài Luật Quy hoạch, cần rà soát thêm các luật liên quan (Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất) để “giới hạn” lại việc “phù hợp với quy hoạch” là quy hoạch ngành, lĩnh vực nào, đảm bảo sát thực tiễn. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn về việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch cấp cao hơn với quy hoạch cấp thấp hơn, quy hoạch cùng cấp được phê duyệt.

Theo Chương trình làm việc, dự kiến ngày 28/5/2025, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Sau đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin cùng chuyên mục