Giải ngân đầu tư công tại Bình Dương: Ba kiến nghị khơi thông điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ 3 vướng mắc được xem là lực cản khiến tiến độ các dự án đầu tư công của địa phương này 4 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thuộc nhóm thấp nhất cả nước

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 của địa phương này được Thủ tướng Chính phủ giao là 19.595 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 7.132 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 12.463 tỷ đồng. Nhằm thúc đẩy đầu tư công cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số, địa phương này đã thông qua kế hoạch phát động phong trào 100 ngày cao điểm giải ngân vốn đầu tư công. Kế hoạch này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phấn đấu đến ngày 30/6/2025, tỷ lệ giải ngân của Tỉnh đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, riêng các công trình trọng điểm không có vướng mắc phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Giai đoạn 2 phấn đấu đến ngày 31/8/2025, tỷ lệ giải ngân đạt 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó phấn đấu tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc đạt trên 80%.

Bên cạnh kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND tỉnh Bình Dương đã có nghị quyết giao kế hoạch và UBND Tỉnh có quyết định phân bổ chi tiết, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của Bình Dương năm 2025 là 36.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương là 28.867 tỷ đồng.

Thông tin tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 (ngày 20/5) cho thấy, Bình Dương thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Tính đến ngày 30/4/2025, giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Tỉnh là 1.754,28 tỷ đồng, đạt 9,01% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 4,9% kế hoạch Tỉnh giao. Tính đến ngày 19/5/2025, giá trị giải ngân là 2.049,124 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 5,69% tổng kế hoạch vốn năm nay. Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, ước tính 4 tháng đầu 2025, Bình Dương đứng trong nhóm 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Bình Dương được phân bổ theo nguyên tắc ưu tiên tập trung chủ đầu tư với các công trình trọng điểm, có tính chất lan tỏa. Do đó, kết quả giải ngân phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai nhóm dự án này.

Năm 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông Tỉnh được giao lượng vốn lớn nhất (hơn 22.650 tỷ đồng), tập trung cho các dự án cao tốc, vành đai. Cụ thể, Dự án thành phần (DATP) 5 Xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) được bố trí 609,1 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương và 917,9 tỷ đồng nguồn ngân sách tỉnh tập trung. DATP 6 Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương được bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và 1.829,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương tập trung. DATP 1 Giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương được bố trí 8.000 tỷ đồng. DATP 1 Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn có mức vốn kế hoạch năm 2025 là 6.000 tỷ đồng.

Ban QLDA ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương được giao kế hoạch vốn 1.558 tỷ đồng năm 2025, phần lớn dành cho Dự án Nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai với 1.244,67 tỷ đồng. Ban QLDA ĐTXD tỉnh Bình Dương được phân bổ 1.199 tỷ đồng, trong đó, Dự án Trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát được phân bổ 185,996 tỷ đồng, Dự án Thiết bị Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường được phân bổ 250 tỷ đồng…

Lãnh đạo các ban QLDA trên cho biết, kết quả giải ngân những tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng do khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu đắp nền… Một số vướng mắc đang dần được tháo gỡ, tình hình giải ngân các dự án trên sẽ khởi sắc, tăng tốc trong các tháng tới.

“Một số khó khăn căn bản đã được tháo gỡ, vấn đề còn lại trong năm nay là chủ đầu tư và các nhà thầu làm tốt hơn khâu tổ chức thi công để tiến độ các dự án giao thông trọng điểm nhanh hơn, qua đó tình hình giải ngân sẽ khởi sắc”, ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Bình Dương nói.

Ba kiến nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Tỉnh đã có báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Thứ nhất là vật liệu cát đắp nền đường, nguồn cát thực tế về đến chân công trình rất chậm, không đáp ứng được tiến độ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục làm việc với 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang về bổ sung thêm các nguồn mỏ cát khác, đồng thời nâng công suất khai thác mỏ cát để đảm bảo cung ứng đủ khối lượng cho các công trình vành đai, cao tốc trong vùng Đông Nam Bộ nói chung và phân bổ nguồn cát hỗ trợ tỉnh Bình Dương nói riêng.

Thứ hai là xác định thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hạng mục di dời lưới điện thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án được tách thành tiểu dự án riêng, do UBND các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An tổ chức thực hiện, nguồn vốn sử dụng là ngân sách trung ương do Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quản lý. Theo quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì Bộ Xây dựng là người có thẩm quyền. Hiện nay, UBND các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đang thực hiện lập và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện hạng mục di dời lưới điện thuộc Dự án; đồng thời, tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được phê duyệt và chưa được hướng dẫn cụ thể từ Bộ Xây dựng về việc lập và phê duyệt. Do đó, Bình Dương xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Dương và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu liên quan.

Thứ ba, đối với Dự án Thiết bị Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, đây là dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên ngành nhưng đến nay chưa được Bộ chuyên ngành liên quan hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư và dự toán. Với phần công nghệ thông tin của dự án này, một số chi phí chưa có quy định, hướng dẫn định mức để làm cơ sở lập dự toán như: chi phí thẩm định giá, chi phí đánh giá an toàn thông tin, chi phí đường truyền ký số. Bình Dương kiến nghị các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định các chi phí tư vấn và chi phí khác để có cơ sở lập dự toán cho Dự án.

Tại phiên họp UBND Tỉnh mới đây, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, các đơn vị phải tăng tốc thực hiện kế hoạch 100 ngày cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả tốt nhất. Các huyện, thành phố hoàn thành công tác xác định giá đất, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn trước ngày 30/6/2025 và đặt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn Tỉnh đến cuối quý II đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó phấn đấu tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc đạt trên 60%.

Tin cùng chuyên mục