![]() |
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về dự án áp dụng loại hợp đồng BT có quy định về cơ chế bù trừ chênh lệch khi thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất để khắc phục bất cập từ thực tiễn triển khai dự án BT giai đoạn trước. Ảnh: Lê Tiên |
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định loại hợp đồng BT với 3 cách thức thực hiện gồm: thanh toán bằng quỹ đất; thanh toán bằng ngân sách nhà nước từ nguồn vốn đầu tư công hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công; không yêu cầu thanh toán. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật số 57/2024/QH15 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu), việc thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Theo cơ quan soạn thảo, Nghị định được nghiên cứu, xây dựng theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng BT trước đây, đồng thời bảo đảm khả thi, đồng bộ với các quy định pháp luật khác.
Trong đó Dự thảo Nghị định quy định rõ nguyên tắc xác định quỹ đất, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư trong các giai đoạn khác nhau.
Cụ thể, khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán phải tương đương với tổng mức đầu tư dự án BT hoặc chênh lệch so với tổng mức đầu tư dự án BT. Dự thảo Nghị định đang đưa ra 2 phương án chênh lệch: Phương án 1 quy định tỷ lệ chênh lệch là 10% (giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán cao hơn hoặc thấp hơn 10% so với tổng mức đầu tư dự án BT); Phương án 2 không quy định tỷ lệ chênh lệch tối đa, cơ quan có thẩm quyền tự xác định quỹ đất, tài sản công thanh toán.
Dự thảo Nghị định cũng quy định thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư dự án BT phải được phê duyệt trước hoặc đồng thời với hồ sơ mời thầu; bên mời thầu phải cập nhật giá trị quỹ đất thanh toán dự kiến khi phê duyệt hồ sơ mời thầu nếu trường hợp phê duyệt khác năm phê duyệt dự án.
Khi thanh toán, thời điểm thanh toán quỹ đất là thời điểm cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; giá trị quỹ đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất.
![]() |
Việc yêu cầu giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán cho dự án BT tương đương với tổng mức đầu tư hoặc trong phạm vi cho phép giúp hạn chế thất thoát tài sản công, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Bộ Tài chính, việc yêu cầu giá trị quỹ đất tương đương với tổng mức đầu tư hoặc trong phạm vi cho phép giúp hạn chế thất thoát tài sản công, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán. Các quy định cũng nhằm bảo đảm có cơ sở rõ ràng khi lựa chọn quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT khi chuẩn bị dự án, đồng thời để tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về cơ chế bù trừ chênh lệch khi thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng thanh toán toàn bộ quỹ đất để thực hiện dự án đối ứng cho nhà đầu tư; nhà đầu tư nộp khoản chênh lệch dự kiến giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT sau khi trúng thầu. Sau đó, khi quyết toán giá trị công trình BT, nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung trong trường hợp khoản chênh lệch thực tế giữa giá trị quyết toán công trình BT và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại các thời điểm giao đất, cho thuê đất lớn hơn khoản chênh lệch dự kiến đã nộp hoặc cơ quan có thẩm quyền phải thanh toán bổ sung cho nhà đầu tư trong trường hợp khoản chênh lệch thực tế nhỏ hơn khoản chênh lệch dự kiến đã nộp.
Cơ quan soạn thảo cho biết, quy định này nhằm bảo đảm tăng trách nhiệm và cam kết của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án BT cũng như dự án đối ứng, đồng thời, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên cơ sở khai thác kỳ vọng của nhà đầu tư về giá trị gia tăng của quỹ đất thực hiện dự án đối ứng trong tương lai. Trong khi đó, vẫn bảo đảm tuân thủ việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và cơ chế bù trừ chênh lệch giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán.
Góp ý về 2 phương án đối với khoản chênh lệch tối đa giữa giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán và tổng mức đầu tư dự án BT mà cơ quan soạn thảo đưa ra, tại Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/5, nhiều ý kiến đề xuất theo phương án 1, đó là cần quy định tỷ lệ chênh lệch tối đa. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức 10% quá hẹp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định đề xuất chênh lệch tối đa là 20%. Đại diện của Sở Tài chính TP.HCM cũng đề nghị tỷ lệ này nên cao hơn 10%. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng nên cân nhắc tỷ lệ 15% hoặc 20%.
Từ góc độ doanh nghiệp, một số nhà đầu tư cho biết, quy định theo phương án 1 giúp doanh nghệp có cơ sở rõ ràng để tính toán, lập phương án tài chính, nâng cao niềm tin khi tham gia đấu thầu; góp phần giảm rủi ro pháp lý và tài chính trong quá trình thương thảo, thực hiện hợp đồng BT. Nếu không quy định tỷ lệ chênh lệch, cơ quan có thẩm quyền tự xác định quỹ đất, tài sản công thanh toán, có thể có rủi ro nếu sau này dự án bị thanh tra, kiểm toán đánh giá là thanh toán vượt giá trị...
Đồng thời, theo nhà đầu tư, việc quy định cơ chế bù trừ chênh lệch giải quyết được vướng mắc xảy ra trong thực tiễn triển khai dự án BT giai đoạn trước, rất nhiều dự án bị tắc do không có cơ chế xử lý khi có sự chênh lệch giữa giá trị quỹ đất đối ứng và giá trị công trình BT.