Thông thường, DN chỉ trả lương theo sản phẩm lũy tiến, việc trả lương lũy tiến theo thời gian làm việc được cho là bất hợp lý. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều tranh luận gay gắt
Tại Hội thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị diễn ra sáng 18/9, tại Hà Nội, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - cho rằng, trong 8 vấn đề lớn còn bất cập, cần xem xét sửa đổi, bổ sung trong Dự luật, đáng chú ý là quy định về khung giờ làm thêm, lương lũy tiến theo giờ, thời gian làm việc tiêu chuẩn... Cụ thể, Dự luật nên nới khung giờ làm thêm từ 200 giờ/năm lên 400, thậm chí 500 - 600 giờ/năm; không giới hạn giờ làm thêm theo tuần hay tháng, mà chỉ quy định theo năm...
Theo Trưởng phòng Nhân sự của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động hợp lý. Thế nhưng, chi phí lao động đang ngày càng gia tăng, trong đó có mức tăng đóng bảo hiểm xã hội, trong khi năng suất lao động lại tăng chậm. Không hiểu tại sao các nhà làm luật lại giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần? Việc điều chỉnh này sẽ khiến DN phải tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí tăng lên. Điều này làm giảm sức cạnh tranh thị trường của Việt Nam.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, hiện nay, khu vực ĐTNN ở Việt Nam phần lớn là gia công, làm theo đơn đặt hàng, nên đơn đặt hàng được xem là điều kiện sống còn của DN. Không phải lúc nào DN cũng muốn làm thêm mà phụ thuộc vào nguồn đầu vào và đầu ra. Các đơn hàng đến chậm thì thời gian thực hiện ngắn. Nếu bị giới hạn thời gian, thị trường Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh, DN có nguy cơ tuột mất đơn hàng.
Mặt khác, về phía lao động, nếu giới hạn thời gian làm thêm thì lao động sẽ chuyển sang làm thêm ở DN khác. Nguy cơ thiếu lao động là hiển hiện.
Để bảo vệ người lao động, đại diện Panasonic cho rằng, Nhà nước cần xem xét trên khía cạnh nếu DN làm ăn có lãi thì người lao động được hưởng lợi, DN sẽ tái đầu tư hạ tầng, quan tâm tới lợi ích của người lao động. Nhưng khi DN khó khăn, thì lao động bị ảnh hưởng đầu tiên. Tư duy làm luật nên thay đổi, đưa ra luật là để cùng nhau phát triển, chứ không phải tạo nên quan hệ đối kháng.
Về vấn đề lương lũy tiến theo giờ, ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty May Sông Hồng (Nam Định) cho biết, thông thường, DN chỉ trả lương theo sản phẩm lũy tiến, chứ không trả lương theo thời gian lũy tiến. Nếu trả lương theo thời gian lũy tiến sẽ kéo theo sự bùng phát và dung dưỡng sự lười nhác, vô trách nhiệm, vô kỷ luật, triệt tiêu mọi động lực tích cực.
Dự luật đang là một bước lùi
Đánh giá tác động của Dự thảo Bộ luật Lao động tới người lao động, DN và nền kinh tế, nhiều ý kiến có chung nhận định: Dự luật đang là một bước lùi, có thể khiến Việt Nam đối diện với nguy cơ thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp.
TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright cho rằng, Dự luật còn giữ tư duy tương đối bảo thủ, lạc hậu, và là bước lùi so với Bộ luật Lao động năm 2012. Dự luật can thiệp quá sâu vào quan hệ lao động, không thuận theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Các quy định trong Dự luật sẽ làm tăng chi phí tuân thủ và cưỡng chế tuân thủ. Có nhiều quy định không phù hợp với việc kinh doanh và người chủ lao động sẽ tìm cách lách luật. Việc lách luật sẽ tạo ra chi phí và ở bình diện toàn nền kinh tế, chi phí đó là sự lãng phí.
“Ta tưởng ta lo cho người lao động, nhưng thực tế lại khiến người lao động lười biếng hơn, trong khi đó lại tạo gánh nặng chi phí cho chủ sử dụng lao động, dẫn đến hệ quả là tình trạng sa thải lao động tăng lên...”, ông Tự Anh nhấn mạnh.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hệ quả của chi phí và rủi ro tăng lên là làm cho môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi, Việt Nam ngày càng mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước.