Những quy định mới của Luật Cạnh tranh sẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động mua bán, sáp nhập. Ảnh: Bùi Đức Thâu |
Một trong những nội dung được đánh giá cao tại Dự luật lần này chính là thay đổi trong cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) nhằm phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thay đổi mang tính đột phá
Thảo luận về nội dung kiểm soát tập trung kinh tế tại Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường diễn ra mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những thay đổi trong cách tiếp cận về nội dung này.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phân tích, theo quy định tại Điều 34 của Dự thảo Luật, các doanh nghiệp (DN) tham gia TTKT phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh quốc gia trước khi tiến hành TTKT nếu thuộc ngưỡng thông báo TTKT. Ngưỡng thông báo TTKT được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí như: tổng tài sản trên thị trường Việt Nam; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị giao dịch của TTKT; thị phần của một trong các DN tham gia TTKT.
“Đây là một trong những thay đổi quan trọng trong cách thức kiểm soát TTKT, bởi Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ dựa vào một tiêu chí duy nhất là thị phần để kiểm soát TTKT nhưng Dự thảo Luật đã mạnh dạn đưa vào các tiêu chí kể trên. Đây là những tiêu chí mang tính định lượng rõ ràng để các DN dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ các quy định pháp luật về kiểm soát TTKT”, đại biểu Mẫn nhận xét.
Về cách tiếp cận việc xử lý các hành vi TTKT bị cấm như Dự thảo Luật, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cho rằng, đây là nội dung tiến bộ so với Luật Cạnh tranh năm 2004, không chỉ dựa vào yếu tố thị phần, mà còn dựa trên đánh giá mức độ tác động và khả năng gây tác động, cả tích cực và tiêu cực, của giao dịch TTKT.
“Quy định như vậy vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa có ý nghĩa khuyến khích, hỗ trợ các DN Việt Nam thực hiện các hoạt động mua bán, sáp nhập để ngày càng lớn mạnh, đổi mới công nghệ, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và hỗ trợ DN nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng DN hiệu quả”, đại biểu Thanh nhận xét.
Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì nhìn nhận, vấn đề kiểm soát TTKT tại Dự thảo Luật đã có một cách tiếp cận mới. Đó là kiểm soát TTKT theo hướng trao quyền cho các cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc TTKT; tăng cường sự chủ động của DN trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc TTKT.
Bên cạnh quy định về kiểm soát TTKT, Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới khác như: mở rộng phạm vi điều chỉnh; mở rộng đối tượng áp dụng; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh…
Đòi hỏi những cải cách mới
Theo đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh yêu cầu: “Tạo ra được một môi trường để cạnh tranh công bằng và minh bạch là điều mà Luật chúng ta cần có chứ không phải chỉ quy định nhằm hạn chế hoặc xử phạt cạnh tranh không minh bạch”.
Còn ông Trương Đình Tuyển lại nhấn mạnh một số yêu cầu cải cách mà lĩnh vực cạnh tranh cần thực hiện để thực thi Luật Cạnh tranh hiệu quả như: tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới; tăng cường công khai, minh bạch quy trình, cách thức, kết quả hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh… Bên cạnh đó là nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh, đặc biệt là việc áp dụng phân tích kinh tế để xem xét, đánh giá vụ việc cạnh tranh. “Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Cam kết sẽ chuẩn bị tốt nhất công tác hướng dẫn Luật ngay sau khi Quốc hội thông qua, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quá trình xây dựng Dự án Luật này, Bộ Công Thương đã có kế hoạch công tác cụ thể nhằm tổ chức xây dựng 3 nghị định hướng dẫn trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo Luật sau khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống với tất cả những ý nghĩa hiệu lực và mong muốn của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri.