Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bãi bỏ kinh doanh dịch vụ logistics khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Lê Tiên |
Điểm đáng chú ý là tại Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung một số quy định liên quan cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKĐTKD); đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng đối với việc bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, tại Báo cáo, cơ quan soạn thảo đã có giải trình làm rõ cơ chế kiểm soát, giám sát về ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện kinh doanh trong Dự thảo Luật. Lý do là tại kỳ họp Quốc hội trước đó, khi cho ý kiến về Dự thảo Luật vẫn còn có ý kiến cho rằng, nội dung quy định tại Điều 7 Dự thảo Luật chưa cụ thể, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ; các điều kiện về đầu tư kinh doanh còn lỏng lẻo. Thậm chí, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung tại Điều 7 các yếu tố bảo vệ môi trường.
Làm rõ ý kiến này, cơ quan soạn thảo cho biết, ngoài việc làm rõ mục đích, nội hàm của một số khái niệm liên quan đến ngành, nghề và ĐKĐTKD, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện. Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung một số hình thức áp dụng, nội dung điều kiện kinh doanh cũng như nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ĐKĐTKD tránh tình trạng đề xuất tùy tiện, thiếu thống nhất.
Cụ thể, Khoản 5 Điều 7 Dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh phải có các nội dung: Đối tượng và phạm vi áp dụng; hình thức áp dụng của điều kiện kinh doanh; nội dung ĐKĐTKD; hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính để tuân thủ ĐKĐTKD (nếu có); cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và quản lý nhà nước đối với ĐKĐTKD… Khoản 6 Điều 7 Dự thảo Luật quy định rõ ĐKĐTKD được áp dụng dưới các hình thức: giấy phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện; chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; văn bản xác nhận; các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền dưới các hình thức văn bản.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm Khoản 2 Điều 8 với đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc ĐKĐTKD như: Tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc ĐKĐTKD được sửa đổi, bổ sung; đánh giá mức độ hợp lý, khả thi của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc ĐKĐTKD và sự phù hợp với điều ước quốc tế về đầu tư…
Cơ quan soạn thảo nêu rõ: “Nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 8 không trùng lặp, chồng chéo với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành văn bản quy định riêng về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư”.
Theo Dự thảo Luật lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét dựa trên 4 tiêu chí. Một là các ngành nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng. Hai là các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Ba là các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện kinh doanh. Cuối cùng là các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.
Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan để tổ chức rà soát, đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo các tiêu chí nêu trên, đồng thời hoàn thiện đánh giá tác động của việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số ngành nghề.