Các quy định hỗ trợ DNNVV nên theo hướng doanh nghiệp đọc là biết sẽ nhận được gì, trách nhiệm thực hiện là gì. |
Càng cụ thể càng tốt
Chiếm thời lượng khá dài trong Hội thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức) diễn ra đầu tuần, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa trần tình: “Tôi muốn các nhà soạn thảo nắm rõ tình hình thực thi để hoạch định chính sách càng rõ ràng, đơn giản, chặt chẽ càng tốt. Nếu không, Chính phủ, Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp mất rất nhiều công sức để bàn thảo, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại không cảm nhận được”.
Không chỉ xuất hiện trong vai đại diện cho hội viên Hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, trong đó đa phần là các DNNVV, ông Đệ còn có vai thành viên Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Thanh Hóa từ tháng 6/2013, khi Quỹ được UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định thành lập. “Vì là thành viên, nên tôi biết Quỹ này hiện chẳng có hiệu quả gì”, ông Đệ thẳng thắn.
Không chỉ riêng Quỹ của Thanh Hóa bị kêu. Hơn 20 quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động trên cả nước cũng ở tình trạng tương tự, thậm chí còn bị loại ra khỏi trí nhớ của doanh nghiệp. Lý do chung là các dự án của doanh nghiệp muốn được Quỹ bảo lãnh thì phải được Quỹ thẩm định, nếu chấp nhận sẽ chuyển sang ngân hàng thương mại. Nhưng ngân hàng lại thẩm định rồi mới quyết định có cho vay hay không. Qua hai lần thủ tục, doanh nghiệp vẫn không chắc có được vay. Chưa kể, Quỹ bảo lãnh tín dụng đòi DNNVV phải có thế chấp vì Quỹ này “không được phép lỗ”, mà không cho vay được là cách tốt nhất để không lỗ.
Trong khi đó, tiếp cận được vốn luôn là mong muốn hàng đầu của khu vực doanh nghiệp này. Đây cũng là lý do mà ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh VCCI Cần Thơ cho biết, tại cuộc họp Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vừa qua, khi bàn về dự thảo luật này, các doanh nghiệp cho rằng, nếu không rõ ràng chi tiết các chương trình hỗ trợ, nếu còn phải chi phí mới tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ như hiện tại thì họ không quan tâm.
“Thủ tục xin hỗ trợ rất phức tạp, nhiều khi chiếm hết cả phần được hỗ trợ, nên doanh nghiệp thực sự ngại tiếp cận. Chúng tôi mong các chuyên gia thiết kế các chương trình hỗ trợ với cách làm khác hiện nay”, ông Dũng nói.
Kiến nghị cụ thể hơn, ông Đệ cho rằng, các quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV nên theo hướng doanh nghiệp đọc là biết sẽ nhận được gì, trách nhiệm là gì, đừng quy định kiểu "căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND sẽ hỗ trợ…".
“Làm sao chúng tôi biết được ngân sách địa phương đầy hay vơi. Chính sách mà mập mờ thì dễ nảy sinh tiêu cực”, ông Đệ nói.
Thậm chí, ông Đệ cho rằng, không cần thiết lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nếu như quy định dành tỷ lệ nhất định tín dụng cho khu vực này, giống như quy định của Dự thảo về cơ chế ưu đãi thêm cho doanh nghiệp kinh doanh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp nếu cho DNNVV thuê trên 30% diện tích đất trong khu công nghiệp…
Đừng để mỗi cơ quan một ý
Là người nói ít nhất trong số ba đồng chủ tọa Hội thảo, nhưng ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lại chỉ ra đúng điều mà nhiều doanh nghiệp muốn, nhưng chưa dám nói thẳng.
“Chương II của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNVVV là quan trọng nhất, vì đó là nội dung hỗ trợ DNNVV có 10 điều, nhưng tôi đếm có 8 điều Chính phủ quy định chi tiết. Nghĩa là sẽ có 8 nghị định với sự tham gia của 8 bộ, ngành. Nếu vậy thì lại có quyền lợi của các bộ, ngành ở đây. Quan điểm của tôi là nên chi tiết hơn, giảm phần quy định tại nghị định”, ông Hà trao đổi.
Các nội dung đang đề nghị Chính phủ quy định chi tiết gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ năng lực công nghệ; hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ ươm tạo, cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ DNNVV.
Ông Hà cũng đồng tình với đề xuất nên quy định các tỷ lệ nhất định dành cho khu vực này ngay trong luật để đảm bảo tính thực thi và thống nhất mục tiêu hỗ trợ, vì không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ đại trà.
Thực tế, Dự thảo mới nhất của Luật DNNVV vừa hoàn tất vào ngày 9/7 đã được điều chỉnh theo hướng này.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục tiêu của luật này là tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng, lựa chọn được các doanh nghiệp thực sự đáng để hỗ trợ.
“Vấn đề là hỗ trợ DNNVV không chỉ trông vào nguồn lực Nhà nước, mà sẽ có sự kêu gọi, lồng ghép chương trình đã và đang thực hiện. Điểm thuận là Chính phủ vừa có các nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ cũng đang được thiết kế theo tinh thần mới. Ngay cả Hội đồng Phát triển DNNVV cũng được thiết kế tối thiểu 50% thành viên là từ các hiệp hội doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ sẽ xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải mong muốn của cơ quan chức năng”, ông Cương làm rõ thêm.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chủ tọa Hội thảo cũng đưa ra cam kết rằng, luật này sẽ chỉ rõ doanh nghiệp nào được hỗ trợ gì và cần phải làm gì.