Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ các nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập khu vực ngoài nhà nước. Ảnh Internet |
Kiểm soát việc lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tán thành với nhiều ý kiến ĐBQH, Chính phủ xin được giữ như phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đối với cả khu vực ngoài nhà nước như đã trình Quốc hội. Theo đó, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng (thực hiện công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu và minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập) đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng. So với Dự thảo trước đã bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (UBTP), đa số ý kiến UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTN khu vực nhà nước.
UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật vì hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội căn cứ quy định của Luật này tự ban hành quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo quy định của dự thảo Luật thì kiểm soát tài sản, thu nhập gồm các nội dung như: thẩm quyền kiểm soát, phương thức kiểm soát, quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập, xử lý người kê khai không trung thực và xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc tăng thêm… UBTP đề nghị cần làm rõ các nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập khu vực ngoài nhà nước, đánh giá tính khả thi để bảo đảm phù hợp với thực tế.
Tránh lạm dụng thanh tra
Theo UBTP, phạm vi thanh tra công tác PCTN trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức xã hội quy định tại dự thảo Luật khá rộng.
UBTP nhận thấy, quy định về thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước cần được cân nhắc hết sức thận trọng. Trong các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, hiện nay chỉ với các quy định hiện hành về thẩm quyền của cơ quan thanh tra (cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành) thì hằng năm doanh nghiệp cũng đã bị thanh tra rất nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường trong sản xuất, kinh doanh.
UBTP đề nghị cần cân nhắc theo hướng thu hẹp phạm vi thanh tra về công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước, đồng thời quy định chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.