Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính: Bổ sung mức phạt tối đa một số lĩnh vực mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng ngày 22/10/2020, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.
Cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng
Cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng

Nội dung liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; việc ra quyết định xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính... là vấn đề lớn được tiếp thu, chỉnh lý tại Dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính) hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều ý kiến tán thành tăng mức tiền phạt tối đa như Dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị tăng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực khác bên cạnh các lĩnh vực mà Chính phủ đã trình như: đất đai, xây dựng, hôn nhân gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên cũng một số ý kiến đề nghị cân nhắc không tăng mức tiền phạt tối đa. Trên cơ sở tập hợp ý kiến và thực tiễn thi hành pháp luật, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được quy định như: an ninh mạng; kiểm toán nhà nước; đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Bởi vì, qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Một số ý kiến cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Khoản 1 Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi như sau:

“1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:

a) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính;

c) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng: phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng, chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen (trừ nguồn gen giống vật nuôi); trồng trọt (trừ phân bón); thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; đăng ký doanh nghiệp; kiểm toán nhà nước;

d) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội;

đ) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng: đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi; phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; điện lực;

e) Phạt tiền đến 150.000.000 đồng: quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư;

g) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

h) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí;

i) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng: xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản;

k) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản”.

Box:

Cap: Cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng