Dự thảo Nghị quyết 01/2021: Xác định kim chỉ nam cho chỉ đạo, điều hành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2020 là cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Dự thảo Nghị quyết 01/2021), để hoàn thiện, ban hành ngay trong những ngày đầu năm mới.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp trọng tâm mang tính đặc thù của năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp trọng tâm mang tính đặc thù của năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Nghị quyết đã đề ra các trọng tâm chỉ đạo, điều hành, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính đột phá, vừa giải quyết vấn đề đặc thù của năm 2021 vừa chuẩn bị nền tảng cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề, vừa phải cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, vừa phải tích cực chuẩn bị các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án… để triển khai các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội cho cả nhiệm kỳ. Khối lượng nhiệm vụ này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực tối đa, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2021.

Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, kế thừa những kết quả đã đạt được, quyết tâm vượt qua khó khăn, Dự thảo Nghị quyết 01/2021 nêu rõ các quan điểm, giải pháp trọng tâm chỉ đạo điều hành. Trong đó, 2 giải pháp trọng tâm mang tính đặc thù của năm 2021 là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới…

Các giải pháp trọng tâm khác vừa kế thừa từ những năm trước, vừa có những điểm mới. Đó là, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…; phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển…

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết còn xây dựng 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cùng với đó là các phụ lục nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021; nhiệm vụ cụ thể với cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá và mốc thời gian hoàn thành.

Theo Bộ KH&ĐT, kế thừa nội dung đổi mới trong xây dựng dự thảo nghị quyết những năm qua, Dự thảo Nghị quyết 01/2021 tiếp tục được xây dựng theo tinh thần ngắn gọn, cô đọng, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm.

Khi được ban hành trong những ngày đầu năm, Nghị quyết 01/2021 sẽ là kim chỉ nam, định hướng với các đường găng rõ ràng để đánh giá hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Chính phủ trong năm 2021.

Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, trải qua năm 2020 đầy biến động, nền kinh tế Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã đạt được những thành tựu lớn. Kết quả này cho thấy những quyết sách mà Thủ tướng, Chính phủ đưa ra trong năm 2020 là hiệu quả. Dự thảo Nghị quyết 01/2021 kế thừa những chỉ đạo thành công của Chính phủ trong năm 2020, trên cơ sở dự báo của năm 2021 để đưa ra một loạt nhóm giải pháp được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả, thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát của VCCI và Ngân hàng Thế giới cho thấy, các doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao một số biện pháp của Chính phủ trong năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là, cho vay lãi suất 0% để trả lương người lao động, giãn nợ, giảm lãi suất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lùi thời hạn đóng phí công đoàn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm và gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế VAT…

Ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, để vượt qua thách thức do dịch Covid-19, nắm bắt cơ hội trong năm 2021, doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào giải pháp của Chính phủ. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần điều chỉnh kịp thời về điều kiện áp dụng, phù hợp với thực tế và sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Những bài học từ việc khống chế thành công dịch Covid-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2021. Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ, liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, rộng rãi và kịp thời; lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro, chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp…

Tin cùng chuyên mục