Dự trữ dầu Mỹ tăng mạnh chặn đà tăng của giá dầu

Giá dầu giảm quá sâu đã gây ra làn sóng phá sản tồi tệ nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ...
Sản lượng dầu hàng ngày của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày vào mùa hè năm ngoái xuống 8,8 triệu thùng hiện tại - Ảnh: MarketWatch.
Sản lượng dầu hàng ngày của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày vào mùa hè năm ngoái xuống 8,8 triệu thùng hiện tại - Ảnh: MarketWatch.

Phiên giao dịch ngày thứ Tư, thông tin dự trữ dầu tại Mỹ tăng cao đã cản đà tăng của giá dầu, theo cập nhật từ Reuters. 

Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư, trên các thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh bởi thông tin các đám cháy sẽ gây gián đoạn sản xuất năng lượng ở Canada. 

Tại thành phố Fort McMurray tỉnh Alberta ở Canada, một đám cháy lớn đã bùng phát ở khu vực sản xuất dầu lớn ở nước này. Vụ cháy đã khiến một số công ty năng lượng bao gồm Suncor và Royal Dutch Shell phải tạm ngừng sản xuất. 

Vụ cháy được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng dầu cũng như hoạt động xuất khẩu năng lượng tại khu vực này, theo nhận định của chuyên gia quản lý quỹ tại Again Capital Management, ông John Kilduff. 

Tuy nhiên, thông tin trên đã không thể cứu được giá dầu khi Mỹ công bố dự trữ dầu thô trong tuần qua tăng đến 2,8 triệu thùng, cao hơn tận 1 triệu thùng so với dự báo của giới chuyên gia. Dự trữ xăng cũng tăng vượt mọi dự báo. 

Thông tin này lập tức khiến giá dầu đảo chiều đi xuống, dù có hồi phục phần nào vào cuối phiên nhưng đã khiến tâm lý thị trường trở nên bi quan. 

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 6/2016 hạ 25 cent xuống 44,72 USD/thùng. Trong phiên đã có lúc giá dầu chạm mức 46,01 USD/thùng. 

Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 13 cent tương đương 0,3% xuống 43,78 USD/thùng. Trong phiên đã có lúc giá dầu lên mức 44,88 USD/thùng, tăng đến 3% so với phiên trước. 

Tính từ mức cao được thiết lập ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu Brent đã giảm hơn 5% khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố sản lượng tăng, thêm nhiều thông tin cho thấy kinh tế Mỹ và châu Á tăng trưởng chậm lại được công bố và ngoài ra là thông tin đồng USD tăng cao. 

Bên cạnh đó, theo chuyên gia phân tích tại ngân hàng Commerzbank, ông Carsten Fritsch, cũng không có gì ngạc nhiên nếu nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sau khi giá dầu đã tăng mạnh trong thời gian qua.  

Trong tháng 4/2016, dù sản lượng tại OPEC tăng nhưng nhiều yếu tố bất lợi trên thị trường thế giới đã cứu giá dầu bao gồm gián đoạn sản xuất năng lượng tại Nigeria, Iraq, Lybia và những lo ngại về khả năng Venezuela cạn tiền tăng cao. 

Ngân hàng Barclays dự báo những yếu tố gây gián đoạn sản xuất kiểu như trên sẽ không lặp lại trong những tháng tới nhưng vào cuối năm, sản lượng tại Mỹ giảm sẽ giúp thị trường cân bằng. Barclays dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2016 sẽ ở mức 44 USD/thùng, cao hơn 5 USD so với dự báo gần nhất, giá dầu WTI tại Mỹ được dự báo sẽ ở mức trung bình 42 USD/thùng. 

Sản lượng dầu hàng ngày của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày vào mùa hè năm ngoái xuống 8,8 triệu thùng hiện tại và đồng thời gây ra làn sóng phá sản tồi tệ nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ. 

Tin cùng chuyên mục