Đưa cải cách môi trường kinh doanh trở lại “đường đua”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) có dấu hiệu chững lại, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang làm suy giảm “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN). Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa để tạo thuận lợi cho DN, thực hiện “mục tiêu kép”.
Hoạt động cải cách môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang làm suy giảm “sức khỏe” của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Hoạt động cải cách môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang làm suy giảm “sức khỏe” của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Còn nhiều rào cản

TS. Phạm Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, từ năm 2014, Chính phủ dựa vào đánh giá của quốc tế để tạo động lực cải cách MTKD trong nước thông qua Nghị quyết 19 và nay là Nghị quyết 02. Những vấn đề mục tiêu và vấn đề trọng tâm được điều chỉnh, bổ sung hàng năm. Nhờ đó, MTKD và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Vị trí của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng toàn cầu đã tăng lên.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, thực hiện các nghị quyết về MTKD, hàng ngàn vướng mắc, rào cản đối với sản xuất kinh doanh đã được bãi bỏ; không gian thuận lợi hóa thương mại được mở rộng hơn nhiều so với trước.

Tuy vậy, nhiều ý kiến chỉ ra, rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều. Theo bà Thảo, từ cuối năm 2019 đến nay, nỗ lực cải cách MTKD có xu hướng chững lại, trong đó nổi lên một số rào cản lớn làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Điển hình là thách thức về thể chế thể hiện qua các chỉ số độc lập tư pháp, chi phí tuân thủ, giải quyết tranh chấp hợp đồng, tham nhũng, quyền tài sản còn thấp; thách thức về kỹ năng của lao động; hay thị trường hàng hóa còn những bất cập về rào cản phi thuế quan…

Về thanh toán không dùng tiền mặt, dù được triển khai mạnh mẽ thời gian gần đây và đạt được một số kết quả nhất định, nhưng hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, sự sẵn sàng kết nối còn nhiều hạn chế...

Cần cải cách thực chất

Nhìn vào “sức khỏe” của DN hiện nay, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh của DN Việt Nam cho thấy, trong khoảng một năm rưỡi qua, cả nước có trên 200.000 DN thành lập mới, song có khoảng 174.000 DN đóng cửa, giải thể, phá sản. Trung bình mỗi ngày có 350 DN mới thành lập, nhưng cũng có 300 DN rời thị trường. Đây là điều chưa từng có ở Việt Nam. Trong khi đó, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nên hoạt động cải cách MTKD càng có vai trò quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Cải cách MTKD cần mạnh mẽ, thực chất hơn nữa nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.

Ông Daniel Fietzpatrick, Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho rằng, việc tiếp tục cải cách nhằm tạo MTKD thuận lợi cho DN mới thực sự là những hỗ trợ có tính lan tỏa, mang lại lợi ích lâu dài cho DN. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN như: hỗ trợ lãi suất, giảm thuế… Tuy nhiên, những hỗ trợ này khá tốn kém, không thể tồn tại mãi.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, CIEM và một số chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các chỉ số MTKD theo thông lệ quốc tế; tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh cũng như hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý của các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo với việc lấy DN làm trung tâm...

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam… cho rằng, cải thiện MTKD là quá trình liên tục. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Chính phủ hay một địa phương mà là của tất cả các đơn vị nên đòi hỏi quá trình thực hiện phải đồng bộ, thống nhất, tránh gây khó khăn cho DN.

Tin cùng chuyên mục