Đưa Đông Nam Bộ trở thành trung tâm phát triển năng động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vùng Đông Nam Bộ đang được định hướng trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động, hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước. Trong đó, TP.HCM kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính, tiếp tục là một động lực tăng trưởng của Vùng trong thời gian tới.
Vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành một trung tâm công nghệ, tài chính, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước với hạt nhân là TP.HCM. Ảnh: Song Lê
Vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành một trung tâm công nghệ, tài chính, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước với hạt nhân là TP.HCM. Ảnh: Song Lê

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trong giai đoạn tới, Bình Phước sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp nên nhu cầu đất cho phát triển công nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Bình Phước trong quá trình lập quy hoạch tỉnh là chưa có phương án phân bổ đất của Trung ương, nhất là đất dành cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với vai trò là địa phương phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước mong muốn sớm được phân bổ chỉ tiêu đất đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM, khi thực hiện lập quy hoạch, Thành phố tập trung xem xét kỹ lưỡng chỉ tiêu kinh tế - xã hội để điều chỉnh và nghiên cứu định hướng phát triển của địa phương, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với điều kiện hiện tại, kịch bản tăng trưởng, các khả năng xảy ra trong tương lai. Với sự cẩn trọng, kỹ lưỡng này, Thành phố cần nhiều thời gian thực hiện lập quy hoạch. Mặt khác, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố, nên công tác quy hoạch đang chậm hơn so với các địa phương khác trong vùng.

Cung cấp thêm thông tin về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, bà Trần Thị Giang Hương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, sau khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua, Bộ đang khẩn trương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương. Trên thực tế, chỉ tiêu phân bổ theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ rất hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng tự nhiên) sang đất phi nông nghiệp. Do đó, để phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, việc chuyển đổi đất từ đất nông nghiệp sẽ là một thách thức lớn trong phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Bộ TN&MT sẽ sớm cân đối, xây dựng phương án phân bổ, đề xuất Thủ tướng, giúp các địa phương có cơ sở đẩy nhanh thực hiện quy hoạch tỉnh.

Theo Viện Chiến lược phát triển, cơ quan này đang Dự thảo Báo cáo các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đông Nam Bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng phát triển kinh tế năng động bậc nhất của khu vực ASEAN, đi đầu cả nước về khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước. Đồng thời, phát huy vai trò đầu tàu của TP.HCM để Vùng tiếp tục là một động lực tăng trưởng thời gian tới.

Các điểm nhấn, đột phá của Vùng sẽ tập trung vào khu vực sân bay Long Thành và TP. Long Thành; trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế; trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM… Các tiểu vùng phát triển gồm: tiểu vùng công nghiệp (Đồng Nai, Bình Dương); tiểu vùng ven biển (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, hiện công tác tổ chức lập quy hoạch của các địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu, đáp ứng được tiến độ đề ra. Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị một số địa phương (Bình Dương, Đồng Nai) cần khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn để triển khai lập quy hoạch tỉnh. Riêng đối với TP.HCM, đề nghị tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố để trình thẩm định trong tháng 12/2021.

Hiện nay Bộ KH&ĐT đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Đồng thời, Bộ đang hoàn thiện khung định hướng phát triển quốc gia và khung định hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để gửi các bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.

Tin cùng chuyên mục