Đưa Việt Nam thành điểm đến của đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 9 - 10/1/2021, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE2021) sẽ diễn ra tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Dự kiến tại đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát lệnh khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). 2 sự kiện này được xem là bước ngoặt đánh dấu quá trình hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) của khu vực và thế giới.
Phác thảo phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Phác thảo phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Tiên phong đổi mới sáng tạo

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phát triển và trở nên phổ biến. Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ, ĐMST được xem là con đường ngắn nhất để các nước thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững. Bất kỳ quốc gia nào chậm chân trên con đường này thì chắc chắn không thể thành công.

Nhận định về cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “CMCN 4.0 là cơ hội nghìn năm có một, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt, tận dụng cơ hội này để tiến cùng, vượt lên”. “Chìa khóa” để bứt phá, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững chính là khoa học công nghệ và ĐMST.

“Đây chính là một động lực mới cho tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với vai trò là cơ quan tham mưu về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Bộ KH&ĐT đã tích cực tham mưu cho Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2018, Bộ KH&ĐT đã có sáng kiến thành lập Mạng lưới ĐMST Việt Nam nhằm quy tụ các nhân tài của Việt Nam trên thế giới.

Để kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia, NIC được Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm ĐMST mới của thế giới. Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao xây dựng nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm. Đến nay, Nghị định đã được Chính phủ ban hành.

Cùng với đó, trong quá trình tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, nội dung về khoa học công nghệ, thúc đẩy ĐMST cũng được Bộ KH&ĐT chú trọng. Đến nay, Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 do Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Hành động hiện thực hóa khát vọng “hóa rồng”

Với những chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, đến nay, hoạt động ĐMST của Việt Nam đã có những bước tiến tích cực. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam diễn ra sôi động.

Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS 2020) do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, có 33 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam với tổng số vốn 815 triệu USD. So với năm 2019, số lượng nhà đầu tư cam kết tại VVS 2020 tăng gấp rưỡi, số tiền đầu tư tăng gấp đôi dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau khoảng 1 năm Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển DN công nghệ số Việt Nam được ban hành, Việt Nam đã có hơn 13.000 DN hoạt động trong lĩnh vực này ra đời, nâng tổng số DN công nghệ số lên 58.000 DN.

Về sự phát triển của Mạng lưới ĐMST quốc gia, Bộ KH&ĐT cho biết, sau cuộc gặp gỡ giữa 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ở nước ngoài và các nhà khoa học trong nước, đến nay, Mạng lưới ngày càng được mở rộng. Hiện Mạng lưới ĐMST quốc gia có hơn 1.000 thành viên tại 14 quốc gia với 5 mạng lưới thành phần tại Mỹ, Nhật, Đức, Australia và đang được tiếp tục hình thành ở nhiều quốc gia khác, đóng góp tích cực trong việc hiến kế, tham mưu giải pháp nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0.

Đặc biệt, việc tổ chức VIIE2021 và khởi công NIC, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, là sự kiện lớn, diễn ra ở một thời điểm ý nghĩa, ngay những ngày đầu tiên của năm 2021 - năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Sự kiện còn đặc biệt hơn nữa khi được tổ chức thực hiện trong bối cảnh mới khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thể hiện quyết tâm vừa thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục