Đưa Vĩnh Long trở thành một trong những trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long có thuận lợi lớn khi có nhiều nghị quyết đã xác định rất rõ về vị trí, vai trò của tỉnh Vĩnh Long đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Do vậy, khi xây dựng Quy hoạch, Vĩnh Long cần phải đưa được các phương án tạo động lực phát triển để xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của Vùng.
Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của Vùng

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, công tác lập quy hoạch đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch tốt là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho từng tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Long năm 2020 vẫn đạt 3,9%/năm là một tín hiệu tích cực phản ánh sự quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Tỉnh. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Long năm 2020 vẫn đạt 3,9%/năm là một tín hiệu tích cực phản ánh sự quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Tỉnh. Ảnh: Đức Trung

Bối cảnh lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Long có thuận lợi lớn là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh; đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã xác định rất rõ về vị trí, vai trò của tỉnh vĩnh Long đối với Vùng và cả nước; có 6 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt là cơ sở để Tỉnh đưa ra định hướng phát triển cũng như kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng quốc gia qua địa bàn.

Trong khi đó, Vĩnh Long là một trong ba tỉnh của vùng duyên hải phía Đông, đất đai màu mỡ phù sa do sông Hậu, sông Tiền và sông Cổ Chiên cung cấp hàng năm; vì thế, Vĩnh Long được biết đến là vùng trọng điểm sản xuất rau mầu và nuôi trồng thủy sản; đồng thời, Vĩnh Long cũng là tỉnh có lợi thế phát triển ngành chế biến nông sản, cung cấp đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, trang thiết bị - vật tư nông nghiệp và năng lượng cho các ngành nông nghiệp. Vĩnh Long là tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để Vĩnh Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận; đồng thời, Vĩnh Long có hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền và sông Hậu thông qua hệ thống Cụm cảng Vĩnh Long.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt 5,7%/năm, thấp hơn mức bình quân chung (Vùng đạt 6,3%/năm; cả nước đạt 6,0%/năm). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế cả nước nói chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Long năm 2020 vẫn đạt mức tăng 3,9% so với năm 2019, cao hơn mức bình quân chung (Vùng đạt 2,3%/năm; cả nước đạt 2,9%/năm). Đây là một tín hiệu tích cực phản ánh sự quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Tỉnh.

Song, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tỉnh Vĩnh Long cần phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của Vùng.

Mở ra nhiều cơ hội cho địa phương nhờ Quy hoạch Tỉnh

Khẳng định về vai trò của Quy hoạch với địa phương, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, Quy hoạch Tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ mở ra các cơ hội như: không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Đức Trung

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Đức Trung

Theo đó, định hướng tổ chức không gian phát triển được chia thành 2 vùng kinh tế với 6 cực phát triển. Trong đó, Vùng I là vùng trung tâm, phía Bắc của Tỉnh, bao gồm: TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, các huyện Long Hồ, Tam Bình và Bình Tân. Cực phát triển của Vùng I bao gồm: TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, đô thị Phú Quới, Hòa Phú.

Vùng II là vùng phát triển kinh tế động lực phía Đông của Tỉnh bao gồm các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít. Cực phát triển của vùng này bao gồm các thị trấn: Vũng Liêm, Trà Ôn và Cái Nhum.

Cùng với đó là các trục động lực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chạy dọc chuỗi đô thị tỉnh Vĩnh Long (TP. Vĩnh Long - đô thị Phú Quới - thị xã Bình Minh) theo hành lang Quốc lộ 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường sắt tốc độ cao kết nối trung tâm TP.HCM qua Vĩnh Long với Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL. Hành lang kinh tế kết nối ngang Tỉnh theo hướng huyện Bình Tân - thị xã Bình Minh - huyện Tam Bình - huyện Trà Ôn (kết nối Trà Vinh - thị xã Bình Minh - Đồng Tháp - TP. Long Xuyên (qua phà Vàm Cống)) theo sông Hậu, Quốc lộ 54, Đường tỉnh 910, Đường tỉnh 910B, tuyến tránh thị xã Bình Minh. Hành lang kinh tế kết nối ngang Tỉnh theo hướng TP. Vĩnh Long - huyện Mang Thít - huyện Vũng Liêm (kết nối TP. Trà Vinh - TP. Vĩnh Long - TP. Sa Đéc) theo sông Cổ Chiên, Quốc lộ 57, Quốc lộ 53, Quốc lộ 80, Đường tỉnh 902, Đường tỉnh 907. Con đường kết nối du lịch sinh thái, di sản văn hóa…

Thời kỳ 2021 - 2030, Vĩnh Long đặt ra mục tiêu là tỉnh phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững; trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp chế biến - chế tạo công nghệ cao, du lịch, dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL và cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng; tạo dựng môi trường sống bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Đến năm 2050, Vĩnh Long đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng ĐBSCL, kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và các động lực tăng trưởng tập trung, hiện đại, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để khai thác có hiệu quả các lợi thế của Tỉnh trong không gian kinh tế mở của vùng ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ, theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn trong Quy hoạch, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 392,9 nghìn tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 161,7 nghìn tỷ đồng và khoảng 231,2 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030).