Lập khống Báo cáo tài chính để vay tiền
Công ty CP Đầu tư khoáng sản Kim Ngọc được thành lập năm 2009, có trụ sở tại số 21, phố Ấu Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Công ty Kim Ngọc được Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội cấp mã số thuế nhưng không kê khai nghĩa vụ thuế, không mua hóa đơn và không thông báo việc phát hành hóa đơn, do không có hoạt động kinh doanh gì. Sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 2, Lê Thị Mai Anh là Phó Giám đốc điều hành toàn bộ những việc liên quan trong việc chuyển nhượng cổ phần, đề nghị bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Để chiếm đoạt tiền thông qua việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn tín dụng tại ngân hàng, Lê Thị Mai Anh lập khống Báo cáo tài chính về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2009, 2010 của Công ty Kim Ngọc.
Để có tài sản làm tài sản đảm bảo khi đề nghị cấp hạn mức tín dụng, Lê Thị Mai Anh đã bàn với cổ đông Lê Hữu Đăng, dùng tài sản thế chấp là nhà và đất của vợ chồng ông Lê Hữu Đăng và bà Hoàng Thị Hằng tại số 88, Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Do bà Hằng không đồng ý thế chấp nhà và đất ở để vay tiền, nên ông Đăng đã làm theo yêu cầu của Lê Thị Mai Anh lấy Chứng minh nhân dân của bà Hằng, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đưa cho Lê Thị Mai Anh để làm thủ tục ký Hợp đồng thế chấp tài sản cho ngân hàng.
Lê Thị Mai Anh nhờ người ký giả chữ ký của bà Hằng tại biên bản kiểm tra định giá tài sản đảm bảo, biên bản giao nhận hồ sơ tài sản đảm bảo; đơn yêu cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Thậm chí, bị cáo còn nhờ người khác giả mạo là bà Hằng để cùng với ông Đăng đến Văn phòng Công chứng Thăng Long ký Hợp đồng thế chấp tài sản.
Dựng doanh nghiệp “ma”, chiếm đoạt tiền của ngân hàng
Nhưng do tài sản bảo đảm là nhà đất tại 88 Giảng Võ chỉ được định giá 17,8 tỷ đồng nên để đảm bảo cho các khoản giải ngân khi vượt quá hạn mức tài sản bảo đảm nói trên, Lê Thị Mai Anh đã thỏa thuận cho một số hộ dân vay tiền để họ ký hợp đồng ủy quyền cho phép sử dụng nhà đất của họ làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Từ hợp đồng ủy quyền này, Lê Thị Mai Anh đã sử dụng đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng. Có 3 gia đình đã giao giấy tờ nhà đất và ký hợp đồng ủy quyền cho Lê Thị Mai Anh sử dụng với tổng giá trị tài sản được ngân hàng định giá gần 28 tỷ đồng.
Để được giải ngân, Lê Thị Mai Anh đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Tùng Bách, nhờ người làm Giám đốc để tạo dựng các hợp đồng khống mua bán gas để đưa vào hồ sơ giải ngân. Sau khi ngân hàng giải ngân, Lê Thị Mai Anh bảo giám đốc “hờ” của Công ty Tùng Bách rút tiền đưa cho Mai Anh.
Các hồ sơ giải ngân như hợp đồng thuê kho, Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo phải thu, phải trả, báo cáo xuất nhập tồn kho... đều được lập khống. Tổng số tiền mà ngân hàng đã giải ngân là 31,9 tỷ đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định tổng số tiền ngân hàng còn bị chiếm đoạt là 19,7 tỷ đồng.
Với hành vi này, Lê Thị Mai Anh đã bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt mức án tù chung thân.