Ảnh Internet |
Cụ thể, trong đơn gửi về Báo Đấu thầu, nhà đầu tư cho biết, trong vòng 10 năm qua Baniphar đã nhiều lần phát hành tăng vốn điều lệ để tăng vốn từ 3 tỷ đồng lên thành 50 tỷ đồng nhưng chưa phương án nào được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt. Hiện nay, ông Nguyễn Quang Bang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm giữ 25% vốn điều lệ, ông Phạm Kiên Giang, ông Đặng Đình Khoa và ông Nguyễn Xuân Vinh - thành viên HĐQT nắm giữ lần lượt là 8%, 5% và 5,5% và số còn lại do 339 cổ đông nắm giữ. Gần đây nhất, vào cuối năm 2015, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên thành 50 tỷ đồng, nhưng phương án tăng vốn cũng không báo cáo UBCK Nhà nước phê duyệt. Đặc biệt, mặc dù là công ty đại chúng nhưng Baniphar vẫn chưa đăng ký với cơ quan quản lý về chứng khoán, không hề công bố thông tin theo quy định.
Baniphar được thành lập từ năm 1960 với tên gọi Quốc doanh Dược phẩm Bắc Ninh. Năm 1997, Công ty tách thành 2 đơn vị là Công ty Dược phẩm Bắc Ninh và Công ty Dược phẩm Bắc Giang. Đến năm 2002 thì tiến hành cổ phần hóa. Hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, Baniphar có những sản phẩm chiến lược trong mảng đông dược và các mặt hàng nhập khẩu collagen tự nhiên, thực phẩm chức năng.
Mặc dù là doanh nghiệp (DN) làm ăn hiệu quả nhưng việc tuân thủ quy định của DN này như trên đang khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc. Tại Đại hội cổ đông năm 2015, một phương án chi trả cổ tức phân phối lợi nhuận năm 2014 khá lạ lùng được DN đưa ra. Cụ thể, cổ tức được chia làm 2 loại: cổ đông là nhân viên thuộc chi nhánh Gia Bình và chi nhánh Hà Nội chỉ được nhận cổ tức tỷ lệ 10% trên mức vốn điều lệ của năm 2014 là 30 tỷ đồng, cổ đông là nhân viên thuộc các chi nhánh còn lại và cổ đông ngoài được nhận cổ tức với tỷ lệ 13%.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung này.