Ảnh minh họa. Ảnh Internet |
Chưa thoát khỏi yếu kém
Tại Hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ HTPT HTX diễn ra ngày 16/5, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hoạt động của các quỹ HTPT HTX thời gian qua đã tạo kênh tín dụng quan trọng cho các cơ sở kinh tế hợp tác cũng như tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để HTX mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các quỹ còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, thành viên và người lao động. Về hành lang pháp lý, hiện chưa có cơ sở pháp lý thống nhất đối với việc thành lập, tổ chức hoạt động của các quỹ. Luật HTX 2012 chỉ quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tiếp cận vốn và quỹ HTPT HTX đối với HTX, liên hiệp HTX. Căn cứ pháp lý trực tiếp hơn để hình thành quỹ cũng mới dừng lại ở mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không quy định rõ mô hình tổ chức và mối quan hệ giữa quỹ trung ương và quỹ địa phương.
Cũng theo ông Cường, các quỹ hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, gần 50% số quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ từ 1 - 2 tỷ đồng. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ đa phần do ngân sách nhà nước cấp, chưa huy động được các nguồn lực thị trường...
Về việc tiếp cận vốn vay từ quỹ, ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Phát triển HTX thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhu cầu vay vốn của các HTX là rất lớn, nhưng số lượng HTX tiếp cận được còn chưa nhiều, không ít HTX có nhu cầu vay nhưng lại không đủ tài sản thế chấp, dự án xin vay còn đơn giản, sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu... Hơn nữa, do chưa có sự liên kết, hợp tác thống nhất giữa các quỹ về đào tạo, công nghệ, đặc biệt là chưa có sự ủy thác vốn cho vay giữa các quỹ trung ương và địa phương nên xảy ra tình trạng có quỹ dư thừa nguồn vốn, nhưng có quỹ lại thiếu vốn để cho vay.
Yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động
Với những hạn chế trong hoạt động của các quỹ, nhiều ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ. Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, việc sớm có hướng dẫn thành lập, tổ chức hoạt động của các quỹ ở địa phương sẽ giúp hoàn thiện hệ thống quỹ từ trung ương đến địa phương, từ đó có căn cứ để mở rộng hơn nữa các hoạt động hỗ trợ đối với HTX, tổ hợp tác và liên hiệp HTX, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Đề xuất về cơ chế hoạt động của quỹ, ông Đoàn cho rằng, Quỹ HTPT HTX phải là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, có trọng tâm, trọng điểm với đối tượng ưu đãi chính là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm chủ lực vùng miền, sản phẩm chủ lực quốc gia. Vì vậy, đề nghị mở rộng thêm các nguồn lực huy động, đóng góp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân để tạo điều kiện cùng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển.
Lãnh đạo Cục Phát triển HTX cũng đề nghị, ngoài đối tượng ưu đãi và bảo lãnh tín dụng của quỹ là các HTX, liên minh HTX thì nên bổ sung đối tượng là tổ hợp tác, bởi đây là đối tượng thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể đang hoạt động hiệu quả, an toàn, rất cần được hỗ trợ về vốn...
Góp ý cho vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế đề xuất 4 giải pháp chủ yếu. Đầu tiên là cần sửa Luật HTX 2012, trong đó quy định rõ việc thành lập quỹ HTPT HTX cấp trung ương thuộc Liên minh HTX Việt Nam và Quỹ HTPT HTX cấp địa phương thuộc Liên minh HTX tỉnh/thành phố. Trên cơ sở nêu trong Luật, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập quỹ HTPT HTX Trung ương và quỹ ở các tỉnh, thành phố với việc quy định rõ mối quan hệ dọc - ngang. Đồng thời, tăng cường vốn ngân sách nhà nước cấp ban đầu cho các quỹ đi đôi với việc đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, bao gồm cả vốn ODA.
Cuối cùng là đổi mới hoạt động của các quỹ, tập trung hỗ trợ các HTX mới thành lập, hoạt động chưa quá 5 năm hoặc những dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế thực sự cao, hướng vào các HTX hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. “Đây phải là đối tượng mà các quỹ ưu tiên hướng đến nhằm thúc đẩy hình thành mô hình sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi”, ông Tuyển nhấn mạnh.