Tỷ phú đang chạy đua vào Nhà Trắng Donald Trump là người luôn lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc. Ông đưa ra những vấn đề như hàng hóa giá rẻ “Made in China” tràn ngập ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Mỹ hay Trung Quốc đang sử dụng đồng nhân dân tệ giá rẻ để cạnh tranh không lành mạnh. Lần này, Trump lại có một thứ khác để phàn nàn: chính sách tiền tệ của Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong thế giới ngày nay, khi mà hệ thống tài chính toàn cầu phát triển sâu rộng, không một NHTW nào – kể cả NHTW quyền lực nhất thế giới – có thể biệt lập với thế giới bên ngoài như một ốc đảo. Bất kỳ diễn biến nào trên thị trường quốc tế cũng sẽ nhanh chóng tác động đến Mỹ và ngược lại.
Tuy nhiên, Joachim Fels – chuyên gia đến từ quỹ đầu tư PIMCO có giá trị 1.430 tỷ USD – đã đưa ra những lý do minh chứng cho nhận định chính sách tiền tệ của Mỹ đang trở thành chính sách “Made in China”.
Đầu tiên, hãy nhớ lại thời điểm giữa năm ngoái, khi Chủ tịch Fed Janet Yellen và đồng nghiệp của bà đã sẵn sàng cho động thái nâng lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, Trung Quốc đột ngột phá giá nhân dân tệ ngay trong tháng 8 và khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Lo ngại về những tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ, chính bà Yellen đã nói với các phóng viên rằng “cuộc họp tháng 9 chủ yếu xoay quanh những rủi ro đến từ Trung Quốc”. Cuối cùng thì Fed phải đợi đến tháng 12 mới có thể nâng lãi suất sau khi giữ nó ở mức gần 0 trong suốt 7 năm.
Đến năm nay, Fed lại rục rịch chuẩn bị cho lần nâng lãi suất thứ hai dự kiến vào tháng 3. Thế nhưng tháng 1/2016 Trung Quốc lại cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá sâu và một lần nữa khiến thị trường phải lo lắng. Tháng trước, bà Yellen bóng gió rằng sự bấp bênh của Trung Quốc là nguyên nhân khiến Fed có thể trì hoãn nâng lãi suất. Giờ đây phần lớn nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ “án binh bất động” trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/3 tới.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed luôn nói rằng họ dựa vào các số liệu kinh tế để đưa ra quyết định. Tuy nhiên rõ ràng là các điều kiện trên thị trường tài chính cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu bất kỳ diễn biến nào ở Trung Quốc có thể làm thị trường tài chính quốc tế xáo trộn và khiến Mỹ “khó thở” – dù đó là chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng cao hay đồng USD tăng giá – nhóm của Yellen sẽ tính đến chúng trong quá trình đưa ra quyết định.
“Fed đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, và những diễn biến này lại chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ các nước khác mà đặc biệt là Trung Quốc”, Fels nói.
Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ vào tháng 8 năm ngoái sau khi chứng kiến đồng tiền này tăng giá mạnh cùng với USD. Sau đó nước này còn đưa ra cơ chế tỷ giá mới nhằm giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn rất nhạy cảm với chíh sách tiền tệ của Mỹ và động thái nâng lãi suất của Fed có thể châm ngòi cho một cuộc tháo chạy của dòng vốn.
Kim ngạch xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đóng góp chưa đến 1% GDP của Mỹ, nhưng vị thế là nước tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất, kinh tế Trung Quốc giảm tốc kéo theo những ảnh hưởng không hề nhỏ đối với các nước. Tháng 9 năm ngoái, Giám đốc IMF Christine Lagarde đã thừa nhận rằng tác động của kinh tế Trung Quốc đến thế giới là lớn hơn dự đoán, trong khi một trong những lãnh đạo của Fed mới đây đã đề xuất Fed nên coi Trung Quốc như một yếu tố then chốt trong quá trình hoạch định chính sách.
Vị thế là đồng tiền dự trữ quốc tế của USD cũng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Một đồng USD mạnh hơn khiến các công ty đến từ Trung Quốc và các nước mới nổi khác khốn đốn vì họ đang gánh trên vai các khoản nợ bằng USD có giá trị lên đến 3.300 tỷ USD.
Đồng USD tăng giá cho phép các nước sản xuất dầu mỏ (như Nga) tiếp tục bơm dầu dù giá dầu giảm mạnh vì họ thu về ngoại tệ. Điều này lại tác động lên chứng khoán Mỹ, thị trường mà trong thời gian gần đây đã biến động cùng chiều với giá dầu.
Tại một hội nghị hiếm hoi với Fed chi nhánh New York, Phó Thống đốc NHTW Trung Quốc Chen Yulu đã cảnh báo rằng USD mạnh có thể gây nên một cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi. Ông khuyến cáo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với rủi ro. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Fed? Những diễn biến gần đây cho thấy "chia tay" Trung Quốc là điều gần như bất khả thi đối với Mỹ.