Ảnh Internet |
Mập mờ không ít khoản thu
Tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam hơn 10 năm nay, Gamuda Land luôn tự hào là một trong những nhà tạo lập bất động sản giá trị hàng đầu với hai dự án “khủng” tại Hà Nội và TP.HCM là Gamuda City (vốn đầu tư 3,5 tỷ USD) và Celadon City (trị giá 1,16 tỷ USD).
Thế nhưng, cả 2 dự án này của Gamuda Land liên tục vướng lùm xùm, tai tiếng với khách hàng và cả chính quyền Việt Nam kể từ khi khởi công tới vận hành.
Tại Gamuda City, phản ánh tới Đấu thầu trước đó, hàng trăm cư dân dự án Khu đô thị mới C2 Gamuda Garden (Dahlia Homes - ST5) tố chủ đầu tư đến từ Malaysia đã “ăn bớt” diện tích sàn xây dựng, khi trong hợp đồng thương mại vẽ ra 232,84 m2 nhưng bàn giao thực tế chỉ có 212,8 m2, hụt đến hơn 20 m2.
Không chỉ bàn giao thiếu hụt diện tích, theo phản ánh của hàng trăm khách hàng, Gamuda Land còn có nhiều khoản thu mập mờ, không rõ ràng.
Cụ thể, theo hợp đồng mua bán, chủ sở hữu cần đặt cọc số tiền lên đến 20 triệu đồng cho Gamuda trước khi tiến hàng việc sửa chữa cải tạo. Tuy nhiên, khi cư dân đề nghị cải tạo nhà thì chủ đầu tư nâng giá, buộc cư dân phải đóng 50 triệu đồng, gấp 250 % so với quy định trong hợp đồng mới đồng ý sửa chữa mà không có bất kỳ một lý do giải thích nào hợp lý.
Chưa dừng lại đó, vì tin vào những lời quảng cáo của Gamuda Land về khu đô thị được kết nối bởi các con đường bao quanh dự án, khách hàng đã không ngần ngại xuống tiền để sở hữu một căn biệt thự như mơ.
Theo Quyết định phê duyệt 1/500, Gamuda cũng cần hoàn thành các con đường bao gồm: Con đường phía Bắc quy hoạch rộng 30m và mương Trần Phú. Tuy nhiên, con đường này đến nay vẫn chưa có. Còn cổng số 4 vào thì đóng triền miên, không cho cư dân qua lại.
Con đường phía Tây Nam được quy hoạch rộng 40m và khu cư dân làng xóm Yên Sở. Con đường này được quảng cáo sẽ nối ra đường Tam Trinh. Nhưng kể từ khi Dự án C2, Khu đô thị Gamuda Gardens được phê duyệt 21/10/2011 đến nay là gần 9 năm, con đường này chỉ được làm một đoạn.
Gamuda Land có đang “hành” khách hàng?
Trước những thắc mắc của cư dân, Gamuda Land đã có thông tin về các vấn đề này.
Cụ thể, trong bài phản ánh trước đó liên quan đến mức phí quản lý vận hành thu thừa 0,5 tháng của khách hàng, chủ đầu tư cho biết: “Đối với những trường hợp nộp dư, Gamuda Land trả lời có thể liên lạc với bộ phận chăm sóc khách hàng để chuyển trả”. Tuy nhiên, đại diện cư dân khẳng định đến nay chưa nhận được một đồng nào từ Gamuda Land, thậm chí còn bị gây khó dễ khi lấy lại khoản phí này.
“Tiền thu thừa thì chủ đầu tư nói sẽ trả lại thế nhưng đến nay không ai nhận được một đồng nào, một lời xin lỗi cũng không có, thậm chí có khách hàng gọi điện, email muốn lấy lại khoản phí này thì chủ đầu tư trả lời vòng vo, đưa ra hàng loạt form biểu bắt “xin trả lại”. Tiền của chúng tôi đóng, Gamuda Land thu thừa thì buộc phải trả chứ sao lại kêu chúng tôi xin lại tiền của chúng tôi?”, không kiềm chế được tức giận, một cư dân mới nhận nhà bức xúc nói.
Đối với mức phí đặt cọc cải tạo nhà, chủ đầu tư Gamuda Land giải thích rằng chi phí cải tạo khắc phục vượt quá khoản đặt cọc do công nhân thực hiện bất cẩn, thiếu giám sát gây ảnh hưởng đến môi trường, an ninh và cảnh quan khu vực. “Khoản 20 triệu đồng với một số trường hợp là quá thấp, không đủ khắc phục hậu quả, Công ty không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ khách hàng”, Gamuda lên tiếng.
Tuy nhiên, không đồng tình với giải thích này, anh Hà, một cư dân tại đây đề nghị Tổng giám đốc Gamuda Land có một buổi gặp chính thức giải quyết các vấn đề một cách thoả đáng.