Gánh 3 dự án yếu kém, Vinachem lỗ lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 3 trong số 12 dự án thua lỗ ngành công thương thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kinh doanh kém hiệu quả đã tạo áp lực lớn cho tập đoàn này. Nửa đầu năm 2020, lãi ròng hợp nhất của Vinachem âm tới 796,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 200 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 780,9 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 780,9 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tiên phải kể đến Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, trong nửa đầu năm 2020, Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 780,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu 4.192 tỷ đồng.

Tiếp đến là Dự án Nhà máy Phân đạm Hà Bắc do Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này báo lỗ ròng 6 tháng đầu năm lên tới gần 693 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần mức lỗ trong nửa đầu năm 2019. Lỗ lũy kế của Công ty tính đến cuối quý II/2020 đã lên đến 3.979,05 tỷ đồng, lớn hơn vốn chủ sở hữu 1.209,58 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp này dự tính lỗ khoảng 1.132 tỷ đồng.

Cuối cùng, Dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai (Công ty CP DAP số 2 - Vinachem làm chủ đầu tư) cũng đang ngập trong thua lỗ.

Theo Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Vinachem, cả Đạm Ninh Bình, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP số 2 đều có tình trạng nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu, dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của các doanh nghiệp này.

Tình trạng thua lỗ, nợ nần của 3 công ty con nói trên không chỉ gây ảnh hưởng đến từng dự án riêng lẻ mà còn gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinachem.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 vừa được Vinachem công bố, doanh thu của Tập đoàn đạt 18.128 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận gộp đạt 2.219 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về hoạt động tài chính, doanh thu trong nửa đầu năm nay giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, đạt 195,4 tỷ đồng. Trừ đi chi phí tài chính, hoạt động này âm 926 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 1.008,8 tỷ đồng. Chiếm phần lớn chi phí tài chính của Vinachem vẫn là chi phí lãi vay.

Đáng chú ý, dù doanh thu bán hàng giảm mạnh nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Vinachem lại tăng nhẹ từ mức 1.954,4 tỷ đồng nửa đầu năm 2019 lên 1.980,8 tỷ đồng.

Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi các chi phí khác không có sự thay đổi nhiều khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinachem âm tới 689,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 363 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí khác, Vinachem báo lỗ sau thuế 796,8 tỷ đồng.

Vinachem cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…) ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, làm giảm nhu cầu phân bón. Nguyên liệu đầu vào, vốn, điều kiện sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem.

Tính đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của Vinachem đạt 52.037 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 67%, tương đương 34.947 tỷ đồng. Số dư vay và nợ thuê tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nợ phải trả với trị giá hơn 24.021 tỷ đồng. Theo kiểm toán viên, một số khoản vay ngân hàng của Vinachem đã quá hạn thanh toán, trong đó dư nợ gốc quá hạn là 1.064 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 608,8 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục