GDP quý I bứt phá mạnh

(BĐT) - Với mức tăng trưởng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 đã đạt mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. 
Ngành công nghiệp tăng trưởng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ảnh: Lê Tiên
Ngành công nghiệp tăng trưởng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả này, theo Tổng cục Thống kê, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng cao

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2018 ngày 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong 3 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng GDP của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,7%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Quý I năm nay, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13,56%, cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng quý I/2018 cũng đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau 2 năm liên tục giảm. Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê đánh giá là do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ngành nông nghiệp cũng có sự đóng góp tích cực khi tăng trưởng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả. Ngành thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, với mức tăng 4,76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đặc biệt nhất phải kể đến khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ khi ngành này có mức tăng trưởng đạt tới 7,45% trong quý I, đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung.

“Nền kinh tế đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của năm 2017. Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng cao, xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định. 

Có thể tăng trưởng cao hơn năm 2017

Tốc độ tăng trưởng quý I/2018 cao đã được dự đoán từ trước. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, hoạt động sản xuất từ đầu năm đến nay tiếp tục có những diễn biến tích cực. Điều đáng mừng là chất lượng tăng trưởng đã có nhiều cải thiện. Báo cáo của các tổ chức trong nước cho thấy, xuất khẩu của cả khối doanh nghiệp (DN) trong nước và khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tăng cao. Đặc biệt trong tháng 2, tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước cao hơn khối DN FDI, một tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của khối DN Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt khá cao sẽ tạo đà cho 3 quý còn lại. TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lạc quan nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm không chỉ sẽ vượt kế hoạch 6,7%, mà còn vượt tốc độ tăng trưởng của năm 2017 là 6,81%.

Đưa ra nhiều dự báo tích cực, song các chuyên gia cũng lưu ý đến những yếu tố đột biến có thể tác động đến tăng trưởng. “Nhìn lại nhiều năm trước đây, tốc độ tăng trưởng quý sau bao giờ cũng cao hơn quý trước, nhưng không tăng mạnh nếu không có yếu tố đột biến. Năm nay, chưa thấy có yếu tố đột biến nào xuất hiện, nên tốc độ tăng trưởng quý sau có thể vẫn cao hơn quý trước, tuy nhiên mức độ tăng sẽ không nhiều”, ông Đức Anh nhận định.

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia cảnh báo là chỉ số sử dụng lao động đang có xu hướng giảm. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong 3 tháng đầu năm giảm là một thách thức cho năm 2018 trong việc duy trì tốc độ thu hút nguồn vốn này, đặc biệt ở các dự án quy mô lớn sử dụng nhiều lao động để gia tăng việc làm và thu nhập. Cần có những chính sách mới nhằm duy trì và gia tăng lượng vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó là những vấn đề đang tồn tại như tái cơ cấu ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng… cũng đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt.