Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Genco 3 giảm mạnh là do việc giảm doanh thu tài chính trong năm. Ảnh: Nhã Chi |
Sau khi trang trải các chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay 1.725 tỷ đồng, Genco 3 báo lãi 203,6 tỷ đồng sau thuế, giảm sâu so với mức 519 tỷ đồng năm 2014. Tuy nhiên, điều bất ngờ là thu nhập của lãnh đạo lại tăng.
“Bão” tỷ giá
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Genco 3 giảm mạnh là do việc giảm doanh thu tài chính trong năm. Cụ thể, năm 2015, doanh thu tài chính của Genco 3 chỉ còn 196,6 tỷ đồng, trong khi năm 2014 cũng chỉ tiêu này của Công ty lên tới 938 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu tài chính của Genco 3 có được từ nguồn lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại. Diễn biến tỷ giá bất lợi khiến Genco 3 cũng như các doanh nghiệp (DN) điện khác sụt giảm nguồn thu này, thậm chí chịu lỗ tỷ giá như Genco 2, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã trải qua. Năm 2015, Genco 3 hạch toán 85 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá, giảm sâu so với mức 796 tỷ đồng năm 2014. Tỷ giá tiếp tục là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Công ty giảm sâu.
Không đưa ý kiến ngoại trừ, kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của Genco 3 nhấn mạnh, nếu áp dụng cách ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo Thông tư 200/2014/TT-BTC thì lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Genco 3 sẽ giảm tới 2.505 tỷ đồng, tức thay vì lãi trước thuế 246 tỷ đồng, Công ty sẽ lỗ trước thuế 2.259 tỷ đồng. Đồng thời, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện thuộc vốn chủ sở hữu cuối năm 2015 cũng giảm một khoản tương đương. Genco 3 đã chọn cách ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo hướng “có lợi” hơn bằng cách áp dụng Thông tư 179/2012/TT-BTC, Công văn 3003/BTC-TCDN và Công văn 2239/VPCP-KTTH. Những văn bản nói trên có thể nói đã “giải cứu” phần nào cho kết quả kinh doanh của Genco 3, tránh việc bị con sóng tỷ giá nhấn chìm. Cũng lưu ý, hầu hết các DN hiện đang hạch toán chênh lệch tỷ giá theo Thông tư 200 và không có một “đặc ân” riêng nào.
Vay nợ ngắn và dài hạn của Genco 3 cuối năm 2015 lên tới 68.312 tỷ đồng, tương đương 80,7% giá trị tổng tài sản của Công ty tại cùng thời điểm. Có nghĩa là cứ 100 đồng tài sản của Genco 3 thì có tới 80,7 đồng hình thành từ các khoản vay nợ. Chi phí lãi vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng phần nào nói lên gánh nặng này của Genco 3.
Trong hàng chục nghìn nợ vay, có 5.465 tỷ đồng Genco 3 vay bằng đồng Yên Nhật. Đồng Yên tăng giá trong 2 năm trở lại đây đã gây áp lực tỷ giá lên Genco 3 nói riêng và các DN vay vốn bằng đồng Yên nói chung.
Lương khủng
Với viên chức quản lý, mức thu nhập bình quân năm 2015 còn “khủng” hơn, đạt 46,64 triệu đồng/người/tháng, trong đó riêng tiền lương đã lên tới 41 triệu đồng/người/tháng. Đáng lưu ý, mức lương bình quân của viên chức quản lý Genco 3 theo kế hoạch chỉ là 27,56 triệu đồng/người/tháng. Như vậy mức chi lương bình quân cán bộ quản lý công ty đã vượt kế hoạch 49%. Mức chi vượt này là do Quỹ tiền lương dành cho cán bộ quản lý vượt kế hoạch chứ không phải do giảm số lượng cán bộ quản lý. Số lượng viên chức quản lý vẫn giữ nguyên 9 người từ năm 2014 đến 2015, dự kiến tiếp tục giữ nguyên đến năm 2016.
Năm 2016, Genco 3 đặt kế hoạch lợi nhuận 383 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với kết quả thực hiện năm 2015. Tuy nhiên, mức lương cán bộ quản lý bình quân lại chỉ đề ra ở con số khiêm tốn 10,24 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn cả mức lương kế hoạch của người lao động nói chung (18,7 triệu đồng/người/tháng).