Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng khoảng 7,5% và giá dầu Brent tăng khoảng 6% - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi những mối lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu lại nổi lên, nhưng kết thúc một tuần tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Chốt phiên tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau hạ 1 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 51,59 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London kết thúc phiên với mức giảm 1,2 USD/thùng, tương đương giảm 1,95%, còn 60,48 USD/thùng.
Phiên giảm này kết thúc chuỗi 9 phiên tăng liên tục trước đó của giá dầu, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ tháng 1/2010 của dầu WTI và từ tháng 4/2007 của dầu Brent.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng khoảng 7,5% và giá dầu Brent tăng khoảng 6%, hãng tin CNBC cho hay.
Tuần này, giá dầu được hỗ trợ bởi niềm lạc quan của thị trường về đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Vòng đàm phán kéo dài 3 ngày ở Bắc Kinh đã kết thúc với những tuyên bố khả quan từ hai phía, dù không có những chi tiết cụ thể được công bố. Nhiều nguồn tin nói rằng các cuộc gặp cấp cao hơn của quan chức hai nước có thể diễn ra trong tháng này.
"Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang trong xu hướng giữ trên những mức thấp gần đây, đồng thời chờ nguồn động lực tăng tiếp theo", ông Gene McGillian, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thuộc Tradition Energy, nhận định.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn còn lo về loạt dữ liệu kinh tế u ám gần đây - những con số làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Trung Quốc dự định hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 về ngưỡng 6-6,5%, so với mức khoảng 6,5% cho 2018.
"Nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, thì giá dầu sẽ chịu áp lực giảm, bởi nhu cầu tiêu thụ dầu tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế", nhà quản lý danh mục Hue Frame thuộc Frame Funds phát biểu.
Về phía nguồn cung, giá dầu đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga. Thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/dầu này bắt đầu được thực thi từ ngày 1/1, với mục tiêu giảm tình trạng thừa dầu trên thế giới xuất hiện từ nửa sau của năm 2018.
Ngoài ra, lượng xuất khẩu dầu giảm sút của Iran kể từ tháng 11, kể từ khi Mỹ nối lại lệnh trừng phạt đối với ngành dầu lửa của nước này, cũng hỗ trợ giá dầu. Giới thạo tin cho hay xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm thêm trong tháng 1.
Một nguồn cung quan trọng dẫn tới tình trạng thừa dầu trên toàn cầu hiện nay là Mỹ. Sản lượng dầu của nước này đã lập mức kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày vào cuối năm ngoái. Tuần này, công ty tư vấn năng lượng JBC Energy nói rằng Mỹ có khả năng đạt sản lượng dầu trên 12 triệu thùng/ngày trong tháng 1.