Giá dầu lên, doanh nghiệp xăng dầu hồ hởi báo lãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí mà còn tác động đến các doanh nghiệp lĩnh vực phân phối xăng dầu, nhà máy lọc dầu… Nếu như quý I năm ngoái, hàng loạt công ty như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn… báo lỗ thì quý I/2021, các doanh nghiệp này đều có mức lợi nhuận tốt.
Tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới đang là ngưỡng cản đối với giá dầu. Ảnh: Nhã Chi
Tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới đang là ngưỡng cản đối với giá dầu. Ảnh: Nhã Chi

Petrolimex cho biết, giá dầu WTI có xu hướng tăng đều từ 47,62 USD/thùng đầu năm lên 59,16 USD/thùng vào thời điểm cuối quý I/2021 (tương ứng tăng 20%) nên hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi. Trong khi cùng kỳ năm 2020, giá dầu WTI giảm mạnh liên tục, chỉ còn 20,48 USD/thùng (giảm 66% trong quý I/2020), ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán làm phát sinh 1.500 tỷ đồng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối kỳ theo quy định.

Diễn biến tích cực của giá dầu đã giúp Petrolimex ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng trong quý I/2021, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng đạt 38.269 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Nếu như quý I/2020 lỗ hơn 500 tỷ đồng thì 3 tháng đầu năm 2021, PV Oil ghi nhận lãi ròng 190,6 tỷ đồng. Dù doanh thu trong quý giảm 33,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11.767,8 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 0,4% lên 6,6% là yếu tố giúp PV Oil ghi nhận mức lợi nhuận tích cực.

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu đạt 21.048 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế ở mức 1.856 tỷ đồng. Giá dầu thô tăng đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty (với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến sản phẩm xuất bán, nên giá dầu thô tăng sẽ hỗ trợ Công ty cải thiện biên lợi nhuận). Ngoài ra, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính trong quý này cũng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2020, Lọc hóa dầu Bình Sơn ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm sâu thì còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước giảm mạnh, các khách hàng của Công ty gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng cao khiến Công ty lỗ đến 2.347 tỷ đồng.

Năm 2021, Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 70.898,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 870 tỷ đồng, dựa trên kịch bản giá dầu 45 USD/thùng. Nhu cầu đang dần cải thiện, nhất là nhu cầu dầu diesel và xăng ở mức cao, đẩy giá dầu tăng trở lại. Với kế hoạch trên, kết thúc quý I/2021, Công ty đã hoàn thành 29,7% mục tiêu về doanh thu và vượt 113% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021.

Diễn biến giá dầu trong thời gian gần đây tiếp tục dấy lên hy vọng cho sự phục hồi của ngành dầu khí. Khép lại phiên 7/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2021 lên 68,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2021 đóng phiên ở mức 64,9 USD/thùng.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới. Điều này thể hiện ở mức tăng có phần hạn chế của giá dầu Brent khi không thể vượt ngưỡng kháng cự 70 USD/thùng.

Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại sàn giao dịch trực tuyến FXTM, nhận định, việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở Mỹ và châu Âu cùng với sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu là những lực đẩy giúp tăng giá "vàng đen".

Tin cùng chuyên mục