Giá điện sẽ không tăng trong năm nay?

(BĐT) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa lên tiếng khẳng định chưa có đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016. 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, đây có thể là một trong những động thái nhằm trấn an dư luận trước những thông tin đồn đoán gần đây cho rằng EVN dường như đang có động thái muốn tăng giá điện do dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như chịu nhiều tác động khách quan có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh trong năm nay.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN,  năm 2016 dự báo EVN có thể gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của thay đổi khí hậu dẫn tới hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong 60 năm qua, gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện. Tính đến nay, tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường theo tính toán vào khoảng 6,5 tỷ m3 nước. Cùng với đó, EVN phải đảm bảo cấp nước cho hạ du phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng cấp nước để phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2015 - 2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, EVN sẽ phải xả khoảng 5,16 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà để phục vụ hoạt động này.

Do điều chỉnh tỷ giá nên ước tính chi phí của EVN tăng khoảng 12.000 tỷ đồng
Trước đó, theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 2015 và định hướng kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch SXKD -ĐTPT năm 2016 công bố tại Hội nghị tổng kết ngành điện năm 2015, EVN cũng đã dự báo một loạt khó khăn thách thức mà Tập đoàn sẽ phải đối mặt trong năm 2016. Trước hết, đó là nhu cầu điện năng có khả năng tăng trưởng nóng trong khi sản lượng điện sản xuất của EVN hiện chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng nhu cầu điện có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016 - 2020, do đó việc đảm bảo cung ứng điện phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện của EVN cũng như của các chủ thể ngoài EVN. Đặc biệt, EVN nhấn mạnh việc đảm bảo tiến độ đầu tư phát triển nguồn và lưới điện và để hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn. Bên cạnh đó, EVN cũng dự báo các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất kinh doanh điện năm 2016 có thể biến động khó lường, đồng thời với đó các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Ngoài ra, đó là còn chưa kể tới vấn đề đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất khó khăn hơn do than khai thác trong nước dự tính khó có thể đảm bảo cho sự tăng trưởng mạnh của ngành điện khi nhu cầu điện có xu hướng tăng trưởng nóng trong giai đoạn tới, trong khi nguồn khí trong nước cũng suy giảm, phải gia tăng tỷ trọng nhập khẩu các loại nhiên liệu này dẫn tới có thể phải chịu tác động chi phối chi phí đầu vào từ giá nhập khẩu nhiên liệu nếu có biến động trên thị trường thế giới…

Tuy nhiên, ông Tri khẳng định, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp nỗ lực tự khắc phục, chứ chưa tính tới phương án xin điều chỉnh giá điện. “Hiện các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, EVN cho rằng nếu Tập đoàn xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, EVN thấy cần có trách nhiệm phải góp phần giữ ổn định nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo đất nước phát triển và ổn định cuộc sống người dân”, ông Tri nhấn mạnh.

Cam kết chưa tăng giá điện của EVN đang làm dấy lên nhiều hoài nghi từ các chuyên gia cũng như dư luận xã hội. Trên thực tế, trước đó, EVN cũng đã “kêu” khá nhiều về những khó khăn tác động từ biến động tỷ giá vào nửa cuối năm 2015 vừa qua. Theo EVN, do việc điều chỉnh tỷ giá nên ước tính chi phí của tập đoàn này tăng khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỷ đồng là khoản phải thanh toán ngay trong năm 2015. Chỉ riêng chi phí mua USD trả nợ nước ngoài đã tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng, còn 1.800 tỷ đồng là chi phí cho các nhà máy điện chạy bằng khí. Theo EVN,  khoản lỗ 2.000 tỷ đồng này sẽ được đưa vào chi phí sản xuất điện, đồng thời EVN cũng sẽ đốc thúc các đơn vị sản xuất tăng sản lượng và huy động tối đa công suất để lấy lợi nhuận bù vào. Ngoài ra, còn khoản 10.000 tỷ đồng vốn vay dài hạn trong thời hạn từ 10 - 13 năm, ông Tri cho biết khoản này EVN đã kiến nghị Chính phủ cho phép phân bổ dần vào chi phí tới đây.

Mặc dù EVN cam kết chưa đề xuất điều chỉnh giá điện, song theo phân tích của các chuyên gia, giá điện bình quân thực tế năm nay vẫn có khả năng tăng do cơ cấu phụ tải có khả năng tăng, do kinh tế năm nay dự báo tăng trưởng tốt hơn. Theo cách tính của EVN, việc điều chỉnh tăng giá điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố bao gồm sản lượng điện thương phẩm tăng, cơ cấu phụ tải thay đổi. Cùng với sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu của các thành phần phụ tải có mức giá cao như kinh doanh, thương mại dịch vụ, quản lý và điện sinh hoạt tiêu dùng cho dân cư, dự kiến sẽ kéo theo một bộ phận không nhỏ khách hàng có thể dịch chuyển sang bậc thang sử dụng điện nhiều hơn và do đó sẽ phải trả mức giá cao gấp nhiều lần theo cách tính giá điện lũy tiến bậc thang. Với cách thức này, các chuyên gia cho rằng, dù EVN không đề xuất điều chỉnh tăng và do đó biểu giá điện cơ sở có thể không tăng, song thực tế bình quân giá điện bán ra cho các đối tượng sử dụng lại tăng đáng kể do cơ cấu phụ tải thay đổi.