Biên lợi nhuận hoạt động của các công ty đường Việt Nam thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp Thái Lan. Ảnh: Danh Lâm |
Giá đường giảm mạnh
Theo thông tin từ Công ty CP Mía đường Sơn La, sản lượng đường tiêu thụ trong quý IV năm 2018 đạt 24.781 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, sản lượng tiêu thụ mật rỉ cũng tăng đột biến từ 102 tấn quý IV/2017 lên 3.984 tấn trong quý IV/2018. Qua đó giúp doanh thu của Mía đường Sơn La tăng trưởng 82%, từ 245,5 tỷ đồng lên 446,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 chỉ đạt 66 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với quý IV năm 2017.
Nguyên nhân chính là do giá đường giảm sâu. Trong khi giá mật rỉ bán ra quý IV/2018 tăng nhẹ, thì giá đường lại giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, từ mức bình quân 12.399 đồng/kg xuống còn 9.911 đồng/kg.
Giá đường giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty CP Đường Kon Tum. Công ty ghi nhận giá đường bình quân trong 6 tháng cuối năm 2018 giảm 24,5%, từ mức 13.112 đồng/kg xuống còn 9.904 đồng/kg. Còn giá mật rỉ giảm từ 2.380 đồng/kg xuống còn 1.841 đồng/kg. Kết quả, doanh thu bán hàng của Đường Kon Tum trong nửa cuối năm 2018 tăng 17%, nhưng lợi nhuận từ hoạt động bán đường và mật rỉ gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2017 là 1,84 tỷ đồng.
Ngay cả “ông lớn” Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2018 chỉ ở mức 12,8 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 259,1 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.
Theo giải trình kết quả kinh doanh mà Thành Thành Công - Biên Hòa đưa ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận là đơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, đường tồn kho vụ trước vẫn còn chuyển qua.
Thách thức cho doanh nghiệp trong nước
Theo báo cáo phân tích ngành đường của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), biên lợi nhuận hoạt động (tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên doanh thu) của các công ty đường Việt Nam đều thấp hơn so với các doanh nghiệp Thái Lan.
Cụ thể, các doanh nghiệp mía đường hàng đầu của Việt Nam là Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty CP Đường Biên Hòa và Công ty CP Mía đường Lam Sơn đều có biên lợi nhuận quanh mức 6 - 9%. Trong khi đó, 3 công ty sản xuất đường hàng đầu Thái Lan là Buriram Sugar PCL, KTIS Group và MitrPhol Sugar Corporation đều có biên lợi nhuận hoạt động dao động ở mức từ 13 - 17%, cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ có Công ty CP Mía đường Sơn La là có biên lợi nhuận cao hơn so với doanh nghiệp đường Thái Lan, khoảng 14,8%, tuy nhiên quy mô lại nhỏ. Điều này cho thấy doanh nghiệp Thái Lan có nhiều dư địa hơn doanh nghiệp Việt trong giảm giá bán.
Không chỉ có thách thức từ doanh nghiệp Thái Lan, sản lượng đường tồn kho cao cũng là một vấn đề cần lưu tâm.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, lượng đường dư thừa khá lớn trong niên vụ 2017/2018 và tồn kho cao cho niên vụ 2018/2019, dù sản lượng đường sản xuất của thế giới giảm mạnh. ABARES (cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia) dự đoán, mức giá bình quân năm của đường thô trong niên vụ 2018/2019 khoảng 12 US cent/lb. Dư thừa thống kê toàn cầu hiện chỉ còn 2 triệu tấn so với 8 triệu tấn dự đoán hồi tháng 9/2018.
Sự khó khăn của ngành đường bao trùm nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng không thoát khỏi tình trạng chung. Giá đường thô giảm mạnh và tình trạng buôn bán đường lậu tràn lan đã ảnh hưởng mạnh đến việc kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành.