Giả mạo công văn, trục lợi hơn 7 tỷ đồng

(BĐT) - Trong hai ngày 12 - 13/4, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án 7 cán bộ thuộc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giả mạo giấy tờ để hợp thức hóa cho 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường được lưu hành.
Các bị cáo đã phát hành 6 văn bản giả mạo cấp phép cho 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Ảnh: Tường Lâm
Các bị cáo đã phát hành 6 văn bản giả mạo cấp phép cho 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Ảnh: Tường Lâm

Cáo buộc quy kết 7 cán bộ này đã có hành vi giả mạo trong công tác quy định tại Điều 284 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù giam. Theo kết quả điều tra, các bị cáo đã có hành vi phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản cấp phép cho 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường của 107 doanh nghiệp vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam trái với quy định. Số tiền hưởng lợi bất chính là hơn 7,3 tỷ đồng.

Cụ thể, Trung tâm 3K thuộc Tổng cục Thủy sản có nhiệm vụ tổng hợp trình Tổng cục Thủy sản để trình Bộ NN&PTNT danh mục thức ăn thủy sản, chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học…

Từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014, Bộ NN&PTNT tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp (trong đó có thức ăn nuôi trồng thủy sản và chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản) để rà soát tổng thể các quy định pháp luật liên quan nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư đầu vào. Việc tạm dừng này dẫn đến hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm bị tồn đọng quá nhiều.

Nhằm hưởng lợi bất chính từ các doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký, một số cán bộ của Trung tâm 3K bao gồm Bùi Đức Quý (Giám đốc), Nguyễn Thị Hà (chuyên viên văn phòng), Đỗ Thị Hà (chuyên viên Phòng Khảo nghiệm), Nguyễn Văn Dũng (chuyên viên Phòng Kiểm nghiệm, kiểm định), Nguyễn Huy Bàn (chuyên viên văn phòng), Vũ Thị Thu (cán bộ Trung tâm miền Đông Nam Bộ) đã cấu kết với Lê Tuấn Anh (Phó phòng Hành chính quản trị, Văn phòng Tổng cục Thủy sản) lấy số, đóng dấu phát hành giả mạo 6 văn bản là phụ lục của các công văn thật.

Cơ quan điều tra xác định, các doanh nghiệp đã phải đưa cho Nguyễn Hà, Đỗ Hà, Bàn, Dũng, Thu số tiền từ 5 đến 25 triệu đồng/sản phẩm.
Chẳng hạn, Công văn số 1526/TCTS-VP ngày 17/6/2013 được ban hành kèm theo phụ lục bao gồm danh mục có 42 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Nhưng các cán bộ của Trung tâm 3K đã ghép phụ lục, thêm 130 sản phẩm vào danh mục này. Tương tự, nhiều công văn khác đều có phụ lục bị làm giả, ghép thêm nhiều sản phẩm khác, ngoài sản phẩm đã được phê duyệt.

Nhóm cán bộ của Trung tâm 3K còn ban hành các văn bản giả mạo có số văn bản trùng với văn bản thật (Công văn số 2545/TCTS-TKKN, Công văn số 663/TCTS-VP) nhưng nội dung đã bị thay đổi, ban hành kèm danh mục hàng trăm sản phẩm xử lý cải tạo môi trường.

Để hợp thức việc ban hành các văn bản này, nhóm cán bộ đã lập các phiếu kết quả thẩm định, lấy số phiếu thẩm định lùi ngày, đánh giá đạt hồ sơ sản phẩm của các doanh nghiệp khi sản phẩm không được phân tích, không có kết quả thử nghiệm...

Cơ quan điều tra xác định, các doanh nghiệp đã phải đưa cho Nguyễn Hà, Đỗ Hà, Bàn, Dũng, Thu số tiền từ 5 đến 25 triệu đồng/sản phẩm. Số tiền được các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản cá nhân, người thân các bị can với tổng số tiền lên đến hơn 7,3 tỷ đồng.

Theo lời khai của một số bị cáo, lý do phải ban hành các công văn ghép phụ lục, công văn trùng số là do tồn đọng hồ sơ các sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Từ tháng 9, 10/2014, Trung tâm 3K bắt buộc phải trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho ý kiến về việc công nhận, đăng ký lưu hành vật tư nông nghiệp trước. Do đó, việc thẩm định hồ sơ đưa sản phẩm vào danh mục được phép lưu hành rất khó khăn, thậm chí bị trả lại không cấp phép. Nếu ban hành lùi ngày trước thời điểm tháng 10/2013 thì không phải trình hồ sơ qua lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN.

Được biết, tháng 11/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNN, Tổng cục Thủy sản rà soát, thống kê xác định 924 sản phẩm có chứa chất, hoạt chất cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam hay không. Kết quả, Bộ NN&PTNN trả lời các chất này không chứa chất cấm. Sau khi sai phạm bị phát hiện, các doanh nghiệp có sản phẩm trong danh mục cam kết không sản xuất kinh doanh các sản phẩm đó và thu hồi tiêu hủy số sản phẩm đã sản xuất.

Do vụ án phức tạp nên HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài. Ngày 16/4 tới đây mới tuyên án.

Tin cùng chuyên mục