Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy môi trường kinh doanh đang tiếp tục được cải thiện. Ảnh: Trần Sơn |
Ngay cả Dự thảo Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) hay Dự thảo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cũng đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể đối với vấn đề này.
Tìm giải pháp tăng số lượng doanh nghiệp
Một trong những điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm là tình hình hoạt động của DN đang có những diễn biến tích cực.
Trong 2 tháng đầu tiên của năm 2018, số lượng DN thành lập mới của cả nước đạt gần 19.000 DN; 6.878 DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại thị trường. Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là những tín hiệu tích cực cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện, người dân và DN gia tăng niềm tin và động lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Mặc dù vậy, số liệu tổng hợp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng ghi nhận, trong 2 tháng, số DN đăng ký tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (có 6.460 DN, chiếm 34,5%); xây dựng (có 2.418 DN, chiếm 12,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.291 DN, chiếm 12,2%)...
Về số vốn đăng ký, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với 58.741 tỷ đồng, chiếm 29,8%. Tiếp theo là ngành xây dựng với 30.344 tỷ đồng, chiếm 15,4%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 28.112 tỷ đồng, chiếm 14,2%...
Một số chuyên gia kinh tế nhận xét, số lượng và số vốn đăng ký của DN thành lập mới tập trung ở những ngành nghề không mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Về lâu dài, những ngành này khó giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng, đây mới chỉ là số liệu về tình hình đăng ký thành lập mới trong 2 tháng đầu năm nay, chưa phản ánh được nhiều điều. Lượng DN thành lập mới vẫn tập trung ở những ngành nghề phản ánh phù hợp với diễn biến thị trường và trong tầm kiểm soát.
Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, năm nay cả nước sẽ có khoảng 135.000 DN thành lập mới và đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu DN. Với đà tăng trưởng kinh tế 2 tháng đầu năm, bà Trần Thị Hồng Minh tin tưởng có thể đạt được mục tiêu này.
Xóa tận gốc rào cản
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, thực tế DN vẫn còn gặp khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tìm hiểu khó khăn ở đâu, cơ chế, chính sách nào để tháo gỡ tốt hơn nữa, để số lượng DN thành lập mới, DN phục hồi nhiều hơn.
Trước đó, trong ngày cuối cùng của tháng 2/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp kiểm tra 16 bộ trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Tại cuộc họp này, Chính phủ yêu cầu, năm nay 11 bộ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây khó khăn cho DN.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực hoàn thiện dự thảo 2 văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. Đó là Dự thảo Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN và Dự thảo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Về Dự thảo Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, TS. Đặng Quang Vinh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, Chương trình hành động sẽ tập trung vào các giải pháp xóa tận gốc các rào cản về chi phí cho DN, cả chi phí chính thức và phi chính thức. Bởi theo TS. Vinh, trên thực tế, DN đang mất rất nhiều thời gian xin phê duyệt đầu tư, nhất là thủ tục xin chủ trương đầu tư trong các dự án nhà ở có sử dụng đất, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay còn kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực… Dự kiến, Dự thảo Chương trình sẽ được trình Chính phủ trong tháng 3 này. Còn Dự thảo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tập trung vào các giải pháp hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3 - 1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thu hẹp Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều bộ khác như: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cũng đang tích cực xây dựng phương án cắt giảm hàng nghìn giấy phép, thủ tục bất hợp lý.