Giá thuê văn phòng cao cấp tại Hong Kong cao nhất thế giới

(BĐT) - Theo báo cáo của JLL - tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, năm nay là năm thứ tư khu trung tâm Hong Kong tiếp tục là nơi có giá thuê văn phòng cao cấp đắt nhất thế giới. Giá thuê gộp, bao gồm tiền thuê, thuế và phí dịch vụ, cao hơn 60% so với trung tâm New York và gần 75% so với bờ Đông London. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ấn bản báo cáo giá thuê văn phòng cao cấp của JLL lần thứ tư ghi nhận mức giá giao dịch của các tòa nhà văn phòng chất lượng tốt nhất trên 61 thành phố.

Theo đó, mức giá cao kỷ lục tại trung tâm Hong Kong là do các tập đoàn Trung Quốc không ngừng săn lùng mặt bằng văn phòng hạng A. Điều này đã khiến nhiều công ty phải chuyển hướng sang những tòa nhà văn phòng giá cả phải chăng nằm ngoài trung tâm.

“Hong Kong là trung tâm tài chính lớn ở châu Á, và khu vực trung tâm của thị trường này vẫn là khu sầm uất nhất. Tỷ lệ văn phòng trống khá thấp đã đẩy giá thuê văn phòng tăng mạnh. Các công ty phải lựa chọn khu vực ngoài trung tâm như một giải pháp thay thế, với hơn một nửa số dự án mới trong quý III/2018 là nằm ngoài trung tâm. Trong đó, khu Đông Hong Kong và khu Đông Cửu Long là những lựa chọn hàng đầu. Gần đây, một số tập đoàn lớn đã di dời văn phòng sang phía Đông Hong Kong bao gồm Ernst & Young và Baker McKenzie”, Denis Ma, Trưởng phòng nghiên cứu JLL Hong Kong cho biết. Giá thuê gộp của khu Đông Hong Kong và khu Đông Cửu Long thấp hơn khu trung tâm lần lượt là 64% và 76%.

Những thị trường lớn tại Trung Quốc bao gồm Hong Kong, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải đều thuộc top 10 thị trường văn phòng cao cấp đắt nhất châu Á. Điều này cho thấy việc di chuyển ra ngoài trung tâm đang diễn ra tại nhiều thành phố của Trung Quốc khi các công ty tìm cách tiết kiệm chi phí. Giá thuê văn phòng cao cấp tại trung tâm Hong Kong lên đến 338 USD/ft²/năm (~3,638 USD/m2/năm), tại phố tài chính Bắc Kinh là 189 USD/ft²/năm (~2,034 USD/m2/năm) và Pudong Thượng Hải là 131 USD/ft²/năm (~1,410 USD/m2/năm). Trong khi đó, TP.HCM đã lọt vào top 20 các thành phố châu Á - Thái Bình Dương.

Vẫn theo JLL, thị trường văn phòng tại TP.HCM đang tăng nhiệt với làn sóng thâm nhập thị trường của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Thị trường có tổng cộng 2 triệu mét vuông sàn văn phòng, thấp hơn 5 lần so với thị trường Bangkok. JLL Việt Nam ghi nhận sự thiếu hụt nguồn cung văn phòng chất lượng cao khiến giá thuê tăng mạnh.
Giá thuê văn phòng cao cấp tại TP.HCM đạt 59 USD/ft²/năm (~635 USD/m2/năm), tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức giá cao kỷ lục trong gần nửa thập kỷ qua lên đến 78 USD/ft²/năm (~936 USD/m2/năm), được chào giá bởi một trong những tòa nhà hạng A cao cấp nhất trên thị trường. 

Trong khi các tập đoàn tài chính không ngại chi tiền cho không gian văn phòng cao cấp, thì ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính là những công ty hàng đầu về nhu cầu không gian văn phòng cao cấp trên toàn cầu, là nhóm đứng đầu trong danh sách 72 nhóm khách thuê chủ chốt.

“Các doanh nghiệp có giá trị cao, lợi nhuận cao trong các dịch vụ tài chính như các ngân hàng tư nhân, doanh nghiệp và tập đoàn luôn lựa chọn không gian văn phòng cao cấp ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo và Singapore. Trong khi chi phí vẫn là một yếu tố quan trọng, nhóm ngành này luôn nhắm mục tiêu xây dựng văn phòng có thể thu hút tài năng, vị trí thuận lợi kết nối, và đồng thời nâng cao hình ảnh thương hiệu của họ”, Jeremy Sheldon, Giám đốc điều hành, bộ phận thương mại và các dịch vụ chuyên nghiệp của JLL châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ.

Tất cả các doanh nghiệp đang tìm cách củng cố và nâng cao thương hiệu thông qua vị trí chiến lược đặt văn phòng. Vai trò của bất động sản trong việc thu hút và duy trì tài năng được nâng lên hàng đầu. Khu trung tâm của Hong Kong là một ví dụ tuyệt vời với kết nối giao thông hoàn hảo, tiện ích công cộng và chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số - các yếu tố mà các bất kỳ doanh nghiệp nào cũng ưu tiên khi chọn vị trí đặt văn phòng.

Được biết, trong ấn bản thứ tư của Báo cáo giá thuê văn phòng cao cấp, JLL thống kê mức giá thuê văn phòng của 72 thị trường lớn trên 61 thành phố. Ấn bản 2018 có thêm 18 thị trường bổ sung so với năm 2017 - bao gồm 54 thị trường chính ở 46 thành phố có chức năng và sự tăng trưởng khác nhau.

Tin cùng chuyên mục