Giá vật liệu xây dựng tăng cao, doanh nghiệp thêm áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các nhà thầu xây dựng đang trong đà phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, đà phục hồi này đang gặp không ít trở ngại khi giá cả thị trường vật liệu lại đang lên cơn sốt mới khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh.
Giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công tăng tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công tăng tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Đồng loạt tăng giá

Ngày 5/3 vừa qua, các nhà sản xuất thép lại tiếp tục có thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh tăng giá bán tất cả các loại thép thành phẩm.

Theo thông báo của Công ty liên doanh Sản xuất thép Vinausteel, kể từ ngày 5/3/2022, Công ty điều chỉnh tăng giá bán thép cây và thép cuộn lên 400.000 đồng/tấn so với giá bán hiện tại.

Cùng ngày, Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức thông báo điều chỉnh tăng giá bán lên 400.000 đồng/tấn đối với thép cây, thép cuộn các chủng loại đối với thị trường miền Bắc và miền Trung.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên thuộc Công ty CP Tập đoàn Thép Hòa Phát; Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam… cũng có thông báo tăng giá bán các sản phẩm thép để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo các nhà sản xuất, giá phôi thép và giá nguyên vật liệu đều tăng nên doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán thép thành phẩm. Như vậy, giá bán thép trên thị trường đang vượt mức 18 triệu đồng/tấn trở lên với tùy loại sản phẩm.

Không chỉ vây, theo phản ánh của các nhà thầu xây dựng thì hiện giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác như: cát, gạch… cũng tiếp tục tăng cao. Tại thị trường TP.HCM những ngày qua, hầu hết cửa hàng vật liệu xây dựng cũng như cửa hàng trang trí nội thất đều báo giá vật tư ở mức rất cao.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khẳng định, do chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là giá xăng dầu tăng phi mã nên các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán để bảo đảm chi phí sản xuất. “Ngay như gạch xây dựng, một số nhà sản xuất cũng vừa có thông báo điều chỉnh tăng giá bán thêm ít nhất 100 đồng/viên so với thời điểm cuối năm 2021”, ông Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết.

Dự báo về tình hình giá thép thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng giá sắt thép xây dựng có chiều hướng tăng bởi giá thành nguyên liệu nhập khẩu khá cao. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, xung đột Nga - Ukraine có thể làm thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép do Nga hiện chiếm khoảng 10% nguồn cung thép cho thế giới, còn Ukraine khoảng 4%.

Doanh nghiệp lao đao

Với tình hình hình giá cả vật liệu liên tục tăng, một nhà thầu xây dựng ở Thanh Hóa cho biết, hoạt động của doanh nghiệp bị tác động mạnh. Theo nhà thầu, giá vật liệu xây dựng tăng, chi phí nhân công cũng tăng khiến việc xây dựng các công trình mới gặp nhiều khó khăn. Lý do là phần lớn công trình mới đều được lập dự toán từ cuối năm ngoái, thời điểm giá đầu vào chưa biến động mạnh như hiện nay và các gói thầu mà doanh nghiệp đang thực hiện lại ký kết theo hợp đồng trọn gói.

Chung lo ngại này, đại diện Công ty CP Công trình 207 cho biết, do ảnh hưởng chung của thị trường, đến thời điểm này giá vật liệu xây dựng tăng cao tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của nhà thầu. “Ngay cả những gói thầu triển khai theo hợp đồng đơn giá điều chỉnh thì giá điều chỉnh cũng theo hệ số của Sở Xây dựng địa phương công bố. Tuy nhiên, giá này cũng chưa thực sự bám sát thị trường”, đại diện Công ty cho biết.

Đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng, theo Trưởng phòng Kế hoạch thị trường thuộc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, đến thời điểm này, Công ty chưa điều chỉnh giá bán xi măng nhưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang phải được tính toán cẩn trọng khi chi phí đầu vào tăng cao. Hiện tại, than cho các nhà máy sản xuất xi măng cũng đã tăng giá, chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao. “Nếu tình hình chi phí sản xuất tiếp tục leo thang quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì chắn chắn chúng tôi cũng sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán”, đại diện Công ty Xi măng Hoàng Thạch cho hay.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau những tác động nặng nề do dịch Covid-19, hàng loạt những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đã được kích hoạt. Đặc biệt, để “ghìm cương” giá xăng dầu, vừa qua, nhiều đơn vị đã đề xuất Chính phủ giảm thuế môi trường thêm 1.000 đồng/lít xăng… Hy vọng rằng, những giải pháp này khi được thực thi sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, hỗ trợ quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục