Giá xăng, dầu giảm nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn kêu khó

(BĐT) - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa cho biết, mặc dù giá xăng giảm nhưng do những tác động từ các yếu tố đầu vào biến động thường xuyên làm cho các doanh nghiệp vận tải kinh doanh chưa hiệu quả. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hiện nay, giá cả các mặt hàng công nghiệp, trong đó có ô tô, nhiên liệu (xăng, dầu) thường xuyên biến đổi. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, kể từ tháng 01/2015 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng, giảm 14 lần. Tuy nhiên, việc tăng giảm giá xăng dầu nhỏ giọt đã làm cho các đơn vị kinh doanh vận tải rất bị động trong việc kê khai giá cước để phù hợp với giá xăng dầu.

Thêm vào đó, kể từ ngày 1/1/2016, phí sử dụng đường bộ, các trạm thu phí BOT trên đường đã tăng kịch trần. Theo đó, mức thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm sẽ áp dụng từ 15.000 - 52.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi. Đối với xe tải tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet thì mức thu phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt/vé.

Phản ứng trước việc giá phí tăng cao ở các trạm BOT, sáng ngày 4/1 vừa qua, hàng chục chủ xe, tài xế đã đưa ôtô đến chặn trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để phản đối việc tăng phí đường bộ lên gần gấp đôi (mức tối thiểu tăng từ 20.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt). Được biết, trạm Quán Hàu đặt trên Quốc lộ 1A nhưng lại thu phí cho tuyến đường tránh TP. Đồng Hới.

Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, ngày 25/12 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn tăng mức phí của 23 trạm thu phí đường bộ hoàn vốn BOT trên toàn quốc đến 1/6/2016. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận. Theo giải thích của Bộ Tài chính, để lùi thời hạn thu phí của các trạm BOT thì Bộ Tài chính phải có thông tư mới thay thế thông tư cũ, không thể thực hiện ngay như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải được. Hơn nữa, hiện các trạm thu phí đã in và bán vé tháng, vé quý rồi.

Việc mức phí tăng cao đã gây không ít áp lực đối với các doanh nghiệp vận tải, sẽ làm cho các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2016. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong năm 2016, giá nhiên liệu sẽ tiếp tục có những biến động tăng giảm, theo giá nhiên liệu thế giới, giá đầu vào hoạt động vận tải vẫn có diễn biến theo hướng tăng dần; nhiều trạm thu phí BOT được triển khai, trong đó giá phí được điều chính tăng rất cao, nhất là với phương tiện vận tải đầu kéo... Bên cạnh đó, chính sách thuế nhập khẩu phương tiện có nhiều quy định chưa hợp lý, mặc dù đã có nhiều ý kiến kiến nghị nhưng Nhà nước vẫn chưa  điều chỉnh nên giá ô tô vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục