Giá xăng đứng trước áp lực tăng mạnh ngày mai

Giá thế giới liên tục đi lên khiến áp lực tăng giá không nhỏ, song giới chuyên gia cho rằng nhà điều hành có khả năng tiếp tục xả quỹ bình ổn, thậm chí giảm thuế để giữ giá xăng dầu.
Việc tăng giá bán lẻ trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi về cách tính được đánh giá là "không sòng phẳng". Ảnh: N.M
Việc tăng giá bán lẻ trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi về cách tính được đánh giá là "không sòng phẳng". Ảnh: N.M

Trước đợt công bố định kỳ ngày 19/3, giới kinh doanh xăng dầu cho rằng đây là một trong những đợt điều chỉnh khó nhất với cơ quan quản lý từ giữa năm ngoái đến nay.

Website của Bộ Công Thương cập nhật giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore đến hôm qua (17/3) ở ngưỡng trên dưới 50 USD một thùng. Tính bình quân nửa tháng gần đây, giá mỗi thùng RON 92 khoảng 49 USD, cao hơn con số của lần điều chỉnh ngày 4/3 khoảng 9 USD một thùng. Trước đó trong lần điều chỉnh gần nhất, mức chênh lệch chỉ là 1,8 USD.

“Dù vẫn phải cập nhật giá của 2 ngày nữa nhưng giá thế giới khó giảm mạnh nên tính bình quân thì đây là mức chênh lệch lớn nhất trong các chu kỳ điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay", đại diện một doanh nghiệp đầu mối nhận xét.

Lãnh đạo này cũng tính toán, trong trường hợp không có thay đổi về công cụ điều tiết, chênh lệch nêu trên sẽ tương ứng với mức tăng giá trên 1.000 đồng mỗi lít xăng RON 92 trong lần điều chỉnh chiều mai (19/3).

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, nếu để giá bán lẻ tăng mạnh trong bối cảnh người tiêu dùng đang phải trả thuế nhập khẩu cao hơn mức doanh nghiệp đầu mối phải nộp 5-10% là điều "không sòng phẳng" khi mà cả hai Bộ Tài chính - Công Thương đều thừa nhận bất cập này. "Do đó, việc xem xét giảm thuế nhập khẩu trong cách tính giá cơ sở là điều nên làm, qua đó không phải tăng giá bán lẻ", chuyên gia này bày tỏ.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu từ chối bình luận về khả năng giảm thuế nhập khẩu. "Tuy nhiên, chúng tôi đang cân nhắc việc sử dụng quỹ bình ổn để giảm áp lực điều chỉnh giá bán lẻ", vị này nói.

Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính cho biết quỹ bình ổn đến hết năm 2015 còn dư gần 4.000 tỷ đồng. Dù trong lần điều chỉnh ngày 4/3, liên bộ đã cho xả quỹ với xăng và trước đó nữa là với dầu từ 18/2, song với việc đồng thời đều đặn trích 300 đồng mỗi lít/kg từ đầu năm, ước tính số dư của quỹ đến giữa tháng này vẫn không giảm, ước còn khoảng 4.300 tỷ đồng.

Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu từ cuối năm 2013 đến nay. Số liệu: MOF

Trước đó, sau lần điều chỉnh gần nhất (4/3), giá mỗi lít xăng RON 92 vẫn được doanh nghiệp bán ra phổ biến ở mức 13.750 đồng, không thay đổi so với một tháng trước đó.