Việc cổ vũ, tạo thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết để Việt Nam có thể hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng. Ảnh: Phương Thu |
Dồn dập những thương vụ gọi vốn thành công
MOMO vừa kết thúc một vòng gọi vốn thành công với sự đóng góp của quỹ tư nhân Warburg Pincus. Trong năm 2018, MOMO cũng là công ty Fintech duy nhất của Việt Nam lọt vào top 100 Fintech thế giới do KPMG bình chọn. Chia sẻ về thành công của MOMO, ông Đoàn Tử Tích Phước, đồng sáng lập, Trưởng đại diện Văn phòng phía Bắc của Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến – DN hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trên di động dưới thương hiệu MOMO, cho biết: “Đó là một quá trình vật vã”.
Theo ông Phước, hiện mọi người thường nhìn sản phẩm ví điện tử MOMO như một sản phẩm công nghệ rất thời thượng, thế nhưng ít người biết rằng, 11 năm trước DN bắt đầu khởi nghiệp rất vất vả. Để có được thành công ngày hôm nay, Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến đã phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng việc dựa trên hoạt động kinh doanh nạp tiền điện thoại, bán thẻ điện thoại. Tại thời điểm nguồn tiền dần cạn kiệt, Ban điều hành Công ty nhìn thấy một xu hướng kinh doanh mới khi điện thoại thông minh ra đời. “Chúng tôi dốc nguồn tiền cuối cùng đổi sản phẩm tích hợp ví trên điện thoại sang mô hình app trên điện thoại thông minh… Với nguồn lực đầu tư đó đã có được thành công nhờ xu hướng thay đổi của công nghệ” - ông Phước chia sẻ.
Cũng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, sau hơn 1 năm ra mắt, hiện Wefit là một mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực sức khỏe và thể hình đã gọi vốn thành công với số tiền 1 triệu USD từ Cyber Agent Capital. Wefit hiện sở hữu hơn 3.000 khách hành trả tiền sử dụng hàng tháng với hệ thống hơn 600 phòng tập tại Hà Nội và TP.HCM. Đầu năm nay, Finhay – một nền tảng đầu tư vi mô nhắm vào thế hệ 8X - cũng vừa nhận vốn đầu tư gần 1 triệu USD từ Insignia Ventures Partners và các nhà đầu tư khác.
Từ bỏ “ông lớn” Google về Việt Nam lập nghiệp và cống hiến, mới đây, Phạm Kim Cương - cựu kỹ sư phần mềm của Google và Airbnb đã sáng lập phần mềm kết nối các chủ nhà để phục vụ khách hàng cho thuê nhà với tên gọi Cohost.Ai…
Nhìn vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư quốc tế chia sẻ, dòng tiền đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang như nước chảy vào chỗ trũng.
Khi tiền để khởi nghiệp không còn là vấn đề
Rõ ràng, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang lên cao với nhiều cơ hội mới. Việc cổ vũ, tạo thuận lợi để thúc đẩy hoạt động này là vô cùng cần thiết để Việt Nam có thể hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng. Trong nước, Chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ đã xác định Việt Nam cần có chiến lược và những hành động cụ thể để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và tiếp thu những bài học thành công của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 và đặc biệt là Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia – nơi sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với những cơ chế chính sách vượt trội... đang là những bước đi cụ thể để nhanh chóng hiện thực hóa cơ hội và hỗ trợ tích cực cho khởi nghiệp sáng tạo.
Dù vậy, theo ý kiến của nhiều cá nhân, tổ chức thì vẫn còn rào cản đối với khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Đến nay, MOMO có thể coi là một DN khởi nghiệp thành công. Với tư cách là một luật sư, ông Phước chia sẻ, điều mà các nhà đầu tư quan ngại khi đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đó chính là vấn đề về tính ổn định và khả năng tiên liệu chính sách. “Nhà đầu tư rất quan tâm đến vấn đề chính sách dành cho khởi nghiệp sáng tạo trong ngành nhất định trong 5 - 10 năm tới ra sao. Nhưng ở góc độ DN thì khó có thể trả lời được điều này”, ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước, chính sách có thể rất vĩ mô, nhưng chính sách vi mô cũng rất nhiều và đang tác động trực tiếp đến DN. Ông Phước cho biết, khi nguồn tiền không còn là vấn đề thì MOMO lại gặp khó khi muốn tăng trưởng, phát triển. Các DN khởi nghiệp thường không có nhiều tiền để trả lương đối với những người tài ở mức lương cao như tại DN lớn. Một trong những công cụ thường dùng là cổ phiếu thưởng. Chúng ta chưa có cơ chế nào để cho DN khởi nghiệp phát hành cổ phiếu thưởng một cách dễ dàng. Câu chuyện sẽ càng khó hơn nếu MOMO muốn thu hút nhân tài nước ngoài về làm việc cho DN, khi đó, người lao động – chuyên gia đó được coi như một nhà đầu tư nước ngoài, nên thủ tục xem xét phải thực hiện theo quy trình thủ tục rất phức tạp…”, ông Phước chia sẻ.
Nhà sáng lập Finhay Nghiêm Xuân Huy đồng cảm: “Cứ liên quan đến yếu tố nước ngoài thì câu chuyện khởi nghiệp lại càng trở nên “vô cùng, vô cùng khó”, nhất là khi muốn có người tài nước ngoài về làm ở Việt Nam”. Bên cạnh đó, hiện DN cũng phải tốn kém chi phí thời gian, nhân lực cho những việc hành chính như cần 2 nhân sự chuyên lo việc hành chính với cơ quan nhà nước… Các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng không thể đầu tư trực tiếp mà phải thông qua quỹ nào đó để đầu tư .
Mặt khác, bà Đỗ Thị Tú Anh, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thuộc Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhìn nhận: “Tinh thần khởi nghiệp đang lên cao, song năng lực của họ vẫn còn một số điểm hạn chế. Các startup ở Việt Nam không được đào tạo bài bản về kinh doanh; không hiểu được chu trình của DN từ quy mô nhỏ lên tới công ty tỷ USD là các tập đoàn thì thường phải trải qua những bước như thế nào… Vì vậy, nhiều startup có những ước mơ, hoài bão, lý tưởng rất lớn nhưng họ lại thiếu phương pháp triển khai hành động cụ thể”.
Nuôi giấc mơ lớn cho các DNNVV Việt Nam hội nhập theo chuẩn quốc tế, nhất là trong khi công nghệ số đang được đẩy mạnh trên thế giới, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ibosses Việt Nam, Hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) ra mắt Dự án Thí điểm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNNVV Việt Nam (Istart). Đặc biệt, Chính phủ cũng đang có những hành động cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0 với việc xây dựng Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0; Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam… Với những gì Việt Nam đang chuẩn bị, xây dựng thì giấc mơ các DNNVV thành những “người khổng lồ” sẽ không quá khó.