Để nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp nội địa, rất cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Tường Lâm |
Tuy nhiên, các giao dịch kinh doanh giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với các DN nước ngoài nói chung, đặc biệt là DN Nhật Bản vẫn còn nhiều hạn chế. Theo một số chuyên gia, Việt Nam cần có những giải pháp thích hợp để nâng cao chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp.
Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - Văn phòng đại diện tại Hà Nội, việc thu mua linh kiện, phụ tùng của các DN Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn là một vấn đề đáng lưu tâm. Theo báo cáo điều tra của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam chỉ đạt được 34,2% năm 2016. Con số này thấp hơn hẳn so với ở Trung Quốc là 67,8%, ở Thái Lan là 57,1% và ở Indonesia là 40,5%.
Ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản thông tin thêm, mặc dù có tới 1.600 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam và một nửa số DN này là từ khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các sản phẩm nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản đặt mua rất thấp. Hầu hết sản phẩm nội địa đều do các công ty Nhật Bản ở Việt Nam cung cấp. “Điều đó có nghĩa là số lượng giao dịch kinh doanh giữa các DN Việt Nam và DN Nhật Bản vẫn còn rất hạn chế và còn một khoảng trống”.
Năm 2018, Việt Nam sẽ gỡ bỏ 97% hàng rào thuế quan theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan này được các chuyên gia đánh giá là sẽ mang lại những lợi ích cho Việt Nam về môi trường thu hút đầu tư, về sự tăng trưởng đối với thị trường tiêu dùng và ổn định tình hình chính trị, xã hội. Song, các DN Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà chế tạo từ các nước láng giềng.
Ông Jun Yanagi thì cho rằng, việc tăng cường các DN vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, tái cấu trúc các ngành công nghiệp trong nước. Với việc Chính phủ Việt Nam thông qua Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, các DN này sẽ nhận được những hỗ trợ toàn diện trong tài chính, nâng cấp công nghệ và tiếp thị, làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo một chuyên gia, để nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp nội địa, rất cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích DN phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phải coi đây là một mục tiêu quan trọng với những chính sách khuyến khích đủ mạnh. Cụ thể là chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Cần khuyến khích các ngân hàng thương mại dành sự ưu tiên nhất định về lãi suất và hạn mức tín dụng để tạo thuận lợi cho các DN công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong trường hợp các DN này đầu tư hiện đại hóa máy móc, thiết bị hay sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu cung cấp cho các DN khác. Tăng cường hỗ trợ DN trong nước được gặp gỡ trao đổi, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hợp tác với các bộ, ngành trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế dưới hình thức hội chợ, hội thảo…
Cùng với đó là vấn đề xây dựng và có lộ trình để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với việc tăng cường đào tạo lực lượng kỹ sư, công nhân có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại; mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề và liên kết đào tạo giữa hệ thống cơ sở đào tạo với các DN. Đồng thời, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, từ các trường đại học cho đến trường nghề để từng bước nâng cao chất lượng người lao động.