Giải ngân đầu tư công có tín hiệu tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đã được điều chỉnh phấn đấu đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với tổng kế hoạch vốn lớn hơn năm 2024, những khó khăn cũ và cả khó khăn đặc thù chưa được xử lý hết, mục tiêu hoàn tất giải ngân đầu tư công năm 2025 rất thách thức. Bằng chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, giải ngân đầu tư công đang có sự chuyển biến, tăng tốc…
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đến ngày 30/4/2025 ước đạt 128.512,9 tỷ đồng, bằng 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tường Lâm
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đến ngày 30/4/2025 ước đạt 128.512,9 tỷ đồng, bằng 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tường Lâm

Phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch

Ngày 5/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, điều chỉnh mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 phấn đấu đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thay vì mục tiêu ít nhất 95%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, Thủ tướng nêu rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương, Quốc hội giao, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh đạo. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, xác định rõ các vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trong Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng. Tại Công điện này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính thống kê danh sách các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng qua, các tổ công tác thúc đẩy giải ngân của Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ trực tiếp cho các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân, các dự án lớn, trọng điểm. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện các công điện của Thủ tướng. Đơn cử, ngày 13/4, Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện Công điện số 32/CĐ-TTg, nêu rõ nhiệm vụ cụ thể với các chủ đầu tư, ban quản lý, sở, ngành, huyện, thành phố để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn. Trong đó, Chủ tịch UBND Tỉnh nhấn mạnh, cần nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Ảnh: Tường Lâm

Trong 4 tháng đầu năm 2025, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Ảnh: Tường Lâm

Thêm giải pháp để đạt mục tiêu

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 4.707,3 tỷ đồng, đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính nhận định, ước giải ngân 4 tháng năm 2025 thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2024, nhưng so với tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm thì tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ cùng kỳ năm ngoái.

Trong 4 tháng qua, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Phú Thọ 44,39%, Lào Cai 43,45%, Thanh Hóa 39,2%, Hà Nam 38,44%, Bắc Kạn 32,6%, Hà Tĩnh 31,88%, Tuyên Quang, Hà Giang, Lâm Đồng cùng đạt trên 30%.

Tuy nhiên, còn nhiều bộ, địa phương qua 4 tháng chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp (dưới 10%) như Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị.

Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách; phân bổ vốn khi đến thời điểm báo cáo (ngày 26/4) vẫn còn khoảng 27,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao chưa được các cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết. Bên cạnh đó là vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện liên quan tới quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số dự án ODA đang điều chỉnh chủ trương đầu tư; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chậm; nguyên vật liệu hạn chế… Khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương do nguồn thu sử dụng đất chưa đảm bảo so với dự toán dẫn đến chậm phân bổ, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện, giải ngân dự án sử dụng nguồn vốn này; khó khăn, vướng mắc liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia.

Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề xuất triển khai một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, đối với số vốn đã phân bổ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với số vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án xử lý.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện như về thể chế (nêu rõ vướng mắc tại điểm, khoản, điều của luật, nghị định, thông tư…), xác định rõ khâu vướng mắc trong tổ chức thực hiện và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, thẩm quyền xử lý vướng mắc. Chỉ đạo chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng phối hợp với nhà thầu triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu thực hiện dự án. Xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt…

Tin cùng chuyên mục