Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Ảnh: Lê Tiên |
Xây dựng và dịch vụ tăng trưởng mạnh
Ban Kinh tế Trung ương cho biết, so với năm 2016, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 được dự báo tăng trưởng khoảng 1,5 - 2%. Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (3%). Mặt khác, theo Ban Kinh tế Trung ương, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã khiến mặt hàng gạo của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn của các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Ngoài ra, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang áp đặt những hàng rào kỹ thuật về chất lượng, mẫu mã, cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất gạo trong nước.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Ban Kinh tế Trung ương dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Đồng thời, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp trong nước có phần mạnh mẽ hơn trong năm 2017 là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tiếp nối xu hướng của năm 2016, ngành xây dựng cũng được cơ quan này dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2017 do cầu về bất động sản đang tăng dần nhờ các chính sách hỗ trợ trong suốt thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực.
Với các kịch bản như trên, ngành công nghiệp và xây dựng năm 2017 ước tính tăng trưởng từ 8,5 - 8,8%, cao hơn so với mức 8,3% của năm 2016.
Ngành dịch vụ dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2017, ở mức 6,5 -6,7% do hoạt động một số ngành dịch vụ được hưởng lợi từ sự hồi phục của hoạt động công nghiệp, xây dựng và nông, lâm nghiệp, thủy sản như: bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Theo nhận định của Ban Kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ gặp nhiều thách thức lớn, trong đó có vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công.
“Giải ngân đầu tư công tiếp tục là nút thắt tăng trưởng và nếu vấn đề này không được giải quyết thì mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% năm 2017 là thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng năm 2016 khá xa so với mục tiêu kế hoạch ban đầu”, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Về vấn đề ngân sách, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của cơ quan này chỉ rõ, công tác điều hành chính sách tài khóa còn những tồn tại. Thứ nhất, kỷ luật tài khóa vẫn chưa nghiêm. Trong năm 2016, tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí là 793,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với chi thường xuyên (937,6 nghìn tỷ đồng), dẫn đến thiếu tích lũy từ ngân sách. Bên cạnh đó, nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không được sử dụng cho chi thường xuyên đã bị vi phạm khi một phần vay bù đắp bội chi đã được sử dụng để trả nợ gốc.
Thứ hai, thu nội địa còn dựa vào nguồn thu thiếu bền vững. Nếu trừ đi số thu từ tiền sử dụng đất, từ bán cổ phần sở hữu nhà nước, tăng sản lượng khai thác dầu thô thì thu nội địa so với tổng thu ngân sách nhà nước sẽ giảm từ 79,8% xuống 65%, phản ánh thu từ nội lực nền kinh tế (hoạt động sản xuất kinh doanh) không lớn. Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ lo ngại trước xu hướng phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, nguy cơ rơi vào bẫy tăng trưởng thấp khi nhu cầu quốc tế tăng chậm, chủ nghĩa bảo hộ nhen nhóm trở lại ngày càng rõ.
Cùng với đó, những bất ổn từ các rủi ro địa chính trị trên toàn cầu sẽ là những yếu tố cản trở sự bứt phá mạnh của xuất khẩu cũng như khối FDI trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của khối này nhiều khả năng sẽ chỉ duy trì hoặc thấp hơn so với năm 2016.
“Các chính sách kinh tế chưa đi được đến cuối và thiếu đồng bộ khi nhiều chính sách được làm “dở chừng”, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Năm 2015 chủ yếu tập trung vào vấn đề công nghiệp hỗ trợ, năm 2016 lại chỉ nói đến vấn đề khởi nghiệp, năm 2017 thì “manh nha” cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong khi những vấn đề lớn của nền kinh tế vẫn là nợ xấu, phát triển công nghiệp giảm, tái cấu trúc, cổ phần hóa chững lại... Cần có những chỉ đạo nhất quán, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm là đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, xử lý vấn đề nợ xấu, giảm bớt nợ công, tập trung cho chính sách tài chính, tiền tệ và tài khóa...”.
“Vẫn cần đẩy mạnh việc xây dựng môi trường kinh doanh cùng với việc giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế về giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, và vấn đề xử lý nợ xấu. Ngoài ra, việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả cần phải tốt, nếu không lạm phát sẽ “bùng lên”.
Việt Nam còn động lực cho tăng trưởng ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và phát triển dịch vụ. Trong dịch vụ thì phát triển du lịch thời gian qua đã làm rất tốt và cần được định hướng mũi nhọn hơn trong thời gian tới. Đối với khu vực doanh nghiệp thì không thể trông chờ động lực tăng trưởng từ doanh nghiệp nhà nước được nữa, mà chỉ còn huy động ở doanh nghiệp tư nhân”.