Giải pháp nào hạn chế bỏ cọc trong đấu giá tài sản?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc đang là vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận ở nhiều nơi, cần được soi chiếu để làm mới nền tảng chính sách. Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính, tăng tiền đặt cọc, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá…
Nâng tỷ lệ tiền đặt trước sẽ có lợi cho người có nhu cầu thực sự tham gia cuộc đấu giá. Ảnh: Tường Lâm
Nâng tỷ lệ tiền đặt trước sẽ có lợi cho người có nhu cầu thực sự tham gia cuộc đấu giá. Ảnh: Tường Lâm

Bổ sung quy định hạn chế việc bỏ cọc

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH Cà Mau), khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định, tiền đặt trước là tiền đặt cọc sau khi trúng đấu giá; tiền đặt trước được quy định từ 5 - 20% mức giá khởi điểm tài sản đấu giá. Trong nhiều trường hợp, với mức giá khởi điểm thấp, người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

Nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, trả giá thiếu thận trọng; ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thậm chí thao túng, gây rối, ông Thanh cho rằng, nên tách biệt tiền đặt trước và tiền đặt cọc. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật nên quy định tiền đặt cọc có thể từ 20 - 30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thay vì vài trăm triệu, vài tỷ đồng, người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng rất nhiều khi trả giá.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế, Luật Đấu giá tài sản có thể tham khảo, bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc, không thực hiện trách nhiệm theo kết quả trúng đấu giá; có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất, Bộ luật Hình sự cần bổ sung những hành vi vi phạm tương ứng trong đấu giá tài sản để có hình phạt phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian qua.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu là nâng tỷ lệ tiền đặt trước. Theo đó, nên sửa đổi quy định tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 30%. Việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước sẽ giúp cho người có nhu cầu thực sự tham gia cuộc đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH Bình Định) nêu quan điểm, cần bổ sung các quy định rõ ràng và chi tiết hơn về những trường hợp cũng như thiệt hại, chi phí phải bồi thường khi nhà đầu tư tham gia đấu giá bỏ cọc (chẳng hạn như chi phí tổ chức đấu giá lại). Quy định pháp lý phải mang tính răn đe sai phạm, từ đó ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị để trục lợi.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho biết, người có nhu cầu thật sự tham gia đấu giá hầu hết đã có sự chuẩn bị về nguồn tài chính, thậm chí chuẩn bị 100% số tiền dự kiến sẽ bỏ ra, cho nên sẽ không băn khoăn về mức tiền đặt trước là bao nhiêu. Theo đại biểu, việc tăng mức tiền đặt trước sẽ là rào chắn an toàn đối với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá mà chỉ đăng ký tham gia với mục đích thông đồng, thao túng giá để trục lợi.

Vẫn cần đảm bảo quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá

Bên cạnh các ý kiến cần có chế tài đủ để hạn chế tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc…, một số ý kiến cho rằng, vẫn cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH Bắc Giang), có nhiều ý kiến cho rằng phải xử phạt, phạt tù hoặc là cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản. Tuy nhiên, đây là quan hệ dân sự nên trong mọi trường hợp phải tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá.

Theo đó, nên điều chỉnh vấn đề trên bằng các quan hệ khác. Ông Thịnh đề xuất cần điều chỉnh về tiền đặt trước. Ví dụ, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, nếu giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm thì điều chỉnh lại tiền đặt trước và khi vòng này lại lặp lại lần nữa thì lại yêu cầu phải bổ sung tiền đặt trước. Tiền đặt trước cũng chỉ nên quy định đối với tài sản được Nhà nước đưa ra đấu giá, còn các tài sản khác thì không nên điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo tổng kết, đánh giá của Chính phủ, 5 năm qua đã tổ chức khoảng 200.000 cuộc đấu giá, với trên 90% là tài sản công. Số tiền chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thu cho Nhà nước, thu cho tổ chức, thu cho cá nhân là 110.000 tỷ đồng.

Về chế tài đối với người trúng đấu giá rồi bỏ cọc, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa và có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành để hoàn thiện. Đồng thời cũng nghiên cứu tính đến các chế tài về mặt tài chính, quy định thêm về cấm tham gia đấu giá hoặc siết chặt hơn các điều kiện trong quy định của pháp luật chuyên ngành hay không? Một số vụ việc cụ thể (vụ Thủ Thiêm, cát ở An Giang và Hà Nội, lô xe máy xử phạt vi phạm hành chính ở Hà Tĩnh…) chiếm rất ít trên tổng số các vụ đấu giá thành công. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chế tài (nếu có) dựa trên quan điểm pháp luật quy định càng chặt càng tốt và tính đến nhiều yếu tố thực tế có liên quan như: đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, trách nhiệm của người quản lý...

Tin cùng chuyên mục