Giải phóng các động lực phát triển, vực dậy nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khó khăn và nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện trong giai đoạn cuối năm 2022 kéo sang những tháng đầu năm 2023 đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh các yếu tố khách quan không thay đổi được, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm giải phóng các nguồn lực trong nước để hỗ trợ nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN) vượt thách thức, hoàn thành mục tiêu.
Vốn đầu tư công được xem là “vốn mồi” kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng việc giải ngân nguồn vốn này đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Vốn đầu tư công được xem là “vốn mồi” kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng việc giải ngân nguồn vốn này đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2023 vô cùng khó khăn, thách thức, trên 88.000 DN rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 22,6%. Các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp suy giảm so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, những khó khăn từ bên ngoài tác động rất lớn đến hoạt động của DN.

Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) dẫn thông tin từ một báo cáo của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, khó khăn lớn nhất mà DN Việt Nam đang phải đối mặt lúc này là vấn đề đơn hàng.

Bên cạnh yếu tố khách quan khó kiểm soát, khó lường, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) đề xuất khởi động lại động lực phát triển chủ động thông qua những dự án đầu tư công. Theo ông Tuấn, cần có đột phá về cơ chế đối với việc thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Hiện có rất nhiều dự án có thời gian chuẩn bị cũng như khâu lập, thẩm định dự án đầu tư kéo dài; phê duyệt dự án cũng rất chậm nên nguồn lực đưa vào nền kinh tế chậm.

Nếu ngay từ đầu, xử lý các công trình này như một công trình cấp bách, trong Luật Đầu tư công có quy định về những khoản đầu tư mang tính cấp bách thì sẽ triển khai mạnh hơn, nhanh hơn, nguồn lực đưa vào nền kinh tế nhanh hơn.

Đại biểu Quốc đề xuất dành 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ đang gửi ngân hàng để hỗ trợ nhà ở, đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế. Ảnh: Tiên Giang

Đại biểu Quốc đề xuất dành 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ đang gửi ngân hàng để hỗ trợ nhà ở, đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế. Ảnh: Tiên Giang

Đại biểu Tuấn cũng đề xuất dành 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ của Nhà nước đang gửi ngân hàng để hỗ trợ người lao động người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho người lao động, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

“Trong bối cảnh khó khăn, những giải pháp này sẽ giúp đưa vốn chưa sử dụng vào kích cầu cho nền kinh tế nhanh hơn”, ông Tuấn nhìn nhận.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng như đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, đầu tư công được xem là “vốn mồi” kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khi các yếu tố bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn này đang rất chậm. Vì vậy, Chính phủ cần các giải pháp hữu hiệu hơn trong thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ có các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản cho DN, từ đó, khuyến khích DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa ngành sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực có thế mạnh.

Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có “liều thuốc đặc trị” cho tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không muốn làm vì không có lợi ích riêng trong một bộ phận cán bộ. Chính tình trạng này đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị, ưu tiên thay thế những cán bộ sợ trách nhiệm bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có tâm huyết, trình độ và dám lám, giống như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẵn sàng thay người khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả.

Ông Trần Quốc Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa nghị quyết của Trung ương về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Khi tâm an thì cán bộ không ngại việc, cống hiến nhiều hơn.

Giảm thuế giá trị gia tăng 3 - 4%, kéo dài đến hết năm 2024

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng):

Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế, chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn là từ 3 - 4% để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó DN có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần vực dậy DN, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và trong cả nước.

Đồng thời, xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 để kích thích tiêu dùng, giúp DN xây dựng các phương án kinh doanh ổn định.

Cần giải pháp vượt tiền lệ để cứu DN

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai):

DN đang ở giai đoạn thực sự khó khăn, nút thắt lớn là tắc nghẽn dòng vốn, thiếu hụt đơn hàng, thủ tục hành chính bủa vây. Chính phủ đã phải dùng đến mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, nhưng quan trọng hơn là phải đưa được dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh; khơi thông các kênh dẫn vốn khác.

Đồng thời, cần rà soát thủ tục hành chính, thay đổi thói quen DN đi xin, đi chạy, mà ngược lại chính quyền cần thực tâm, thực lòng tìm đến với DN để gỡ khó. Cần bớt khâu xin ý kiến lòng vòng, đến khi giải quyết được thì DN đã “gần đất xa trời”; bớt thanh tra, kiểm tra, làm khó DN để DN bớt lao đao giải trình lên xuống…

Giải quyết dứt điểm vấn đề sợ trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình):

Trong thời điểm giao thoa sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tình trạng sợ trách nhiệm diễn ra ở mức độ phổ biến cũng là điều dễ lý giải và đây cũng chính là nguyên nhân góp phần không nhỏ làm chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản để tạo cơ chế pháp lý cho triển khai các chính sách lớn nhằm khôi phục kinh tế, vì thế việc vướng mắc về cơ chế vĩ mô cũng đã được giải quyết phần nào. Thế nhưng, nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề cán bộ sợ trách nhiệm thì e rằng dù có nhiều giải pháp vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng.

Cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An):

Qua thảo luận ở Tổ, chúng tôi thấy rằng việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở và điều đó là hoàn toàn chính đáng. Liệu các giải pháp như tiếp tục tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng, nhất là đối với DN bất động sản và các ngành hàng hướng đến xuất khẩu có thể giải quyết được một cách căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ của nước ta lúc này hay không?

Bối cảnh thế giới đã và đang đòi hỏi chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để tự thay đổi chính mình. Nếu buộc phải cân nhắc giữa việc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng hay chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững, có tính cạnh tranh cao về trung và dài hạn, tôi tin rằng cử tri và Nhân dân cả nước sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong dài hạn.

Tin cùng chuyên mục