Tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, vướng mắc trong huy động nguồn lực đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng cơ bản ổn định, tiếp tục duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại nhiều tỉnh, thành kéo dài, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước. Nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, suy giảm trong tháng 8.
Một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam xuống khoảng 5%. Theo nhiều tổ chức, về phía cung, động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế vẫn từ khu vực công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất khẩu. Về phía cầu, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực lớn nhất. Ngay khi làn sóng Covid-19 thứ 4 được kiểm soát, tiêu dùng nội địa dự báo phục hồi nhanh do sức cầu lớn. Đầu tư công có thể bứt phá tốt hơn trong cuối năm nếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện tích cực và mạnh mẽ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo có thể gia tăng...
Bộ KH&ĐT nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Theo Bộ KH&ĐT, ưu tiên cao nhất là phải sớm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian còn lại của quý III, nhất là tại TP.HCM và các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, để từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Trong đó, cần quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp, yếu kém của ngành công thương, ngân hàng 0 đồng, tháo gỡ vướng mắc trong huy động nguồn lực đất đai để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nhanh chóng phục hồi kinh tế
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã song hành các giải pháp kiểm soát dịch bệnh với chuẩn bị điều kiện cần thiết để nhanh chóng phục hồi kinh tế. Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu rà soát những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Với tinh thần này, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đang được hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương đã có những cuộc làm việc đầu tiên ngày 1/9/2021 với Quảng Ninh và Hà Nội. Nhiều vướng mắc của 2 địa phương trong thực hiện dự án đã được các thành viên Tổ công tác giải thích, hướng dẫn để thực hiện ngay. Những vướng mắc liên quan đến nghị định, luật sẽ được Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo, tham mưu giải pháp cho Chính phủ. Tổ công tác sẽ làm việc với nhiều địa phương khác trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, đây là các dự án đang triển khai, nếu tháo gỡ nhanh vướng mắc, có thể giải phóng nguồn lực sẵn có rất lớn để hỗ trợ cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được thành lập ngày 30/8/2021. Hai Tổ công tác đặc biệt sẽ phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ nhanh khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng, tận dụng mọi nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần thích ứng với điều kiện mới “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi kinh tế trong điều kiện mới.