Giảm gánh nặng thanh, kiểm tra cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những giải pháp trọng tâm sẽ được đẩy mạnh thời gian tới là đổi mới công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp (DN) nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đây là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Dự thảo Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam vừa được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt kết quả bước đầu ở một số bộ, trong một số lĩnh vực nhưng còn quá ít so với yêu cầu đề ra. Ảnh: Lê Tiên
Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt kết quả bước đầu ở một số bộ, trong một số lĩnh vực nhưng còn quá ít so với yêu cầu đề ra. Ảnh: Lê Tiên

Còn nhiều bất cập trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành

Nhìn lại gần 35 năm đổi mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đã có sự thay đổi nhận thức về mô hình, nguyên tắc quản lý nhà nước (QLNN) trong phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.

“Những đổi mới phương thức QLNN đối với khu vực DN kinh doanh được thay đổi từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp phép kinh doanh, nhưng đòi hỏi QLNN ở khâu hậu kiểm được tổ chức và triển khai khoa học hơn, hiệu quả hơn”, Dự thảo Đề án đánh giá.

Tuy vậy, Dự thảo Đề án cũng chỉ ra, hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt kết quả bước đầu ở một số bộ, trong một số lĩnh vực nhưng còn quá ít so với yêu cầu đề ra. Những bất cập như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Cùng với đó, số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhiều, gây khó khăn cho DN và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng. Thậm chí, có quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý. Ngoài ra, phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, hiện vào khoảng hơn 78.000 mặt hàng. Chính vì vậy, thời gian thực hiện vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN (chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh…); chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.

Bên cạnh đó, hệ thống khung pháp lý khó thực hiện do có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan QLNN, dẫn đến thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, trùng lặp, ảnh hưởng doanh nghiệp…

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hoạt động thanh tra, kiểm tra đang tạo rào cản khi có gần 20% số DN được khảo sát gần đây cho biết vẫn bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm, thậm chí trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 họ cũng bị kiểm tra.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, đưa khu vực này thực sự là động lực tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đề xuất, đổi mới toàn diện QLNN trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, trong đó, yêu cầu đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường.

Theo đó, cần áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho DN.

Việc kiện toàn hệ thống, tăng cường công tác thanh kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch không chỉ giúp đảm bảo chính sách phát triển các thành phần kinh tế đạt hiệu quả, mà còn phòng, chống các mặt tiêu cực như lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh của DN.

Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, quy định kiểm tra chuyên ngành không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, phạm vi và thẩm quyền. Đồng thời, điều chỉnh các quy định về chế độ kế toán, kiểm toán đơn giản hơn, phù hợp với các DN nhỏ và vừa, xây dựng các chính sách về thuế, phí nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, trong đó nghiên cứu áp dụng thuế khoán cho các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng của các bộ, ngành để làm cơ sở cho hậu kiểm.

“Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là gây ra lỏng lẻo, dễ dàng trong kiểm định, thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà để nâng cao tính tự chủ, gắn ý thức và trách nhiệm của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng”, Dự thảo Đề án nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục