Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 12 đại dự án vào tầm ngắm

0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tập trung giám sát về vấn đề lãng phí nguồn lực đất đai, các dự án “phơi nắng, phơi sương” nhiều năm, đặc biệt là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

Chiều 24/3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, sẽ được báo cáo tại kỳ họp tháng 10/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp ngày 24/3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp ngày 24/3

“Hiện nay, còn bao nhiêu dự án treo, có thu hồi được không? Nhiều địa phương muốn thu hồi nhưng do áp lực nên không thực hiện được. Lần này, Quốc hội ra nghị quyết thu hồi liệu có chuyển biến không?” Chủ tịch Quốc hội nêu

Báo cáo của đoàn giám sát viện dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2016-2021, Nhà nước tiết kiệm được 350,5 nghìn tỷ đồng. Còn báo cáo của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2016-2021, số tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ là 56.364,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đoàn giám sát nhận định, chi thường xuyên chưa thật sự tiết kiệm. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy: Vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được phát hiện và xử lý là 12.640 vụ; tổng giá trị các vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tình trạng lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng…

Tổng hợp sơ bộ số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021 cho thấy, số lượng phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 6.976 chiếc với số tiền xử lý vi phạm 4,8 tỷ đồng. Số lượng tài sản khác được trang bị, sử dụng sai mục đích, sai chế độ phát hiện được là 33.608 tài sản với số tiền xử lý vi phạm 38,2 tỷ đồng; diện tích trụ sở sử dụng sai chế độ đã xử lý là 37.317 m2; số tiền xử lý vi phạm, thanh lý trụ sở thu được là 452,7 tỷ đồng. Diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 147.911 m2…

Từ đó, đoàn giám sát đề nghị làm rõ tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung cho chi đầu tư phát triển, đặc biệt làm rõ các thông tin, số liệu về tổng chi, tỷ trọng chi thường xuyên và chi đầu tư theo dự toán Quốc hội thông qua và số thực chi và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của các địa phương. Đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát việc triển khai thực hiện, quyết toán các dự án trọng điểm thuộc các ngành giao thông, dầu khí, điện, than sử dụng vốn nhà nước khác ngoài ngân sách nhà nước. Trong đó sẽ làm rõ các dự án chậm tiến độ; các dự án thua lỗ, không có khả năng thu hồi vốn; các dự án hoàn thành không sử dụng hoặc đầu tư không hiệu quả.

Cùng với đó, đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương đầu tư xây dựng nhiều trụ sở, số lượng trụ sở nhà nước quản lý không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần, phần còn lại cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định của pháp luật; hoặc vừa thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính.

Dự án Đạm Hà Bắc ngập trong khó khăn sau nhiều năm hoạt động thua lỗ

Dự án Đạm Hà Bắc ngập trong khó khăn sau nhiều năm hoạt động thua lỗ

Nêu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ vì sao đến ngày 23/3 vẫn còn 32 bộ, ngành, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh chưa gửi báo cáo. Ông đề nghị những nơi nào không báo cáo đầy đủ phải có biện pháp xử lý để đảm bảo kỷ cương. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đoàn giám sát cần tập trung vào những nội dung nóng được dư luận quan tâm. Đặc biệt là những dự án thuộc các ngành giao thông, dầu khí, những dự án sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả. Ông Mẫn cũng lưu ý giám sát 12 dự án thua lỗ, không có khả năng thu hồi vốn hiện nay như thế nào.

Chỉ rõ trách nhiệm cụ thể

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đợt giám sát này được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Do vậy, đoàn giám sát phải chỉ rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt và cần đưa ra ví dụ điển hình. “Chỉ khi nào nêu rõ trách nhiệm cụ thể thì mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ”, nhấn mạnh điều này, bà Lê Thị Nga gợi ý tập trung vào ba điểm nhấn đang được dư luận quan tâm. Thứ nhất, đó là vấn nạn lãng phí đất đai do dự án treo. Bà Nga dẫn chứng ngay ở thành phố Hà Nội, có những khu đô thị 10 năm nay chỉ có một ngôi nhà, còn lại cỏ mọc um tùm. “Nếu đoàn giám sát đi thì sẽ thấy nhiều nơi như thế. Ngay ở Mê Linh (Hà Nội) cả khu đô thị chỉ có 1 ngôi nhà mà 10 năm nay vẫn như thế, cỏ mọc đầy, dự án không nhúc nhích”, bà Nga nêu rõ.

Vấn đề thứ hai, bà Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát vào cuộc với các dự án “phơi nắng, phơi sương”, đặc biệt là 12 dự án thua lỗ mà Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa nêu. Đoàn giám sát cần đi khảo sát thực tiễn để xem xét còn dự án nào dở dang nữa hay không, bởi theo bà, đây cũng là hình thức lãng phí rất lớn. Một vấn đề nữa, bà Lê Thị Nga đề nghị quan tâm đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Theo bà Nga, qua giám sát cho thấy vẫn còn cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo cần phải quy trách nhiệm cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, còn nếu làm chung chung thì không có tác dụng. “Hiện nay, còn bao nhiêu dự án treo, có thu hồi được không? Nhiều địa phương muốn thu hồi nhưng do áp lực nên không thực hiện được. Lần này, Quốc hội ra nghị quyết thu hồi liệu có chuyển biến không?”, Chủ tịch Quốc hội nói. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các đoàn giám sát “cứ nhắm vào việc chống lãng phí mà làm”, bởi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng.